Hôm nay (22.2.2017) trên cung đường Đại Cổ Việt - Trần Khát
Chân - Cầu Vĩnh Tuy, khi đến ngã ba Trần Khát Chân giao với Nguyễn Khoái, khi
đó khoảng 11h, tôi có thấy hình ảnh của nhân viên công ty cây xanh đô thị (xe
Tâm An) đang cẩu (nhổ) những cây Lát hoa (Chukrasia
tabularis) bị chết, khi đó trên xe tải đã nhổ được hơn chục cây, toàn những
cây có đường kính trên 15cm, cao cả chục mét (do bị cắt ngọn trước khi trồng).
Điều đáng bàn ở đây là “hiệu quả” trồng
cây xanh đô thị của đơn vị thi công (tôi không rõ đơn vị nào). Dựa trên cơ sở
những cây còn sống (tỷ lệ sống không nhiều), tức những cành bật mầm từ thân
chính, tôi dự đoán (cảm tính) chắc cây cũng trồng được khoảng 2-3 tháng. Tại
sao lại dự đoán? Tôi có tìm thông tin về lộ trình trồng cây xanh ở các tuyến phố
trên địa bàn nội đô nhưng không thấy (không biết có công bố hay không). Hơn nữa,
đây là cung đường không phải tôi hay đi thường xuyên nên không nắm được thời điểm
trồng cây là khi nào. Vì vậy, dựa trên “cảm
nhận” của cá nhân đưa ra thời gian từ khi trồng đến nay (nhổ bỏ cây chết)
khoảng 2-3 tháng.
Trên cơ sở đó, có thể nhận thấy, thời điểm trồng cây xanh của
đơn vị thi công trên cung đường nêu trên là chưa hợp lý, bởi khi đó là thời điểm
đang đông, nhiều đợt nhiệt độ xuống dưới 180C. Nghĩa là, tiết trời
đang đông như vậy không ai đi trồng cây bao giờ. Điều đáng nói ở đây là “phải chăng đơn vị thi công muốn phủ (trồng)
nhanh số lượng cây thay vì chất lượng và hiệu quả”? Tính sơ sơ, cây Lát hoa
cỡ đó (đường kính trên 15 - 20cm) giá cả bạc triệu (đoán vậy, bởi tìm không ra
dự toán của các đơn vị thi công cây xanh trên địa bàn nội đô). Rồi những kinh
phí theo sau như: nhân công trồng, chăm sóc, cột bảo vệ cây, bọc rơm xung quanh
thân cây để hạn chế bốc thoát hơi nước khi mới trồng... Vậy thực chất, kinh phí
để trồng một cây như vậy không phải là ít tiền.
Hơn nữa, tôi quan sát thấy, cả cây Lát hoa to, cao như vậy
nhưng cái bầu thì không tương xứng với đường kính gốc và chiều cao cây, nên sẽ ảnh
hưởng đến chất lượng sinh trưởng phát triển của cây sau này (chưa bàn tới sống/chết).
Điều đáng nói ở đây, khi xe cẩu nhổ cây lên, bầu cây vẫn nguyên trạng ban đầu,
tức là lưới đen, dây buộc vẫn y chang như lúc chưa trồng. Đơn vị thi công tiết
kiệm đến mức bớt xén luôn cả công gỡ bỏ lưới, dây buộc bầu cây. Đây là một trong những
vấn đề nhức nhối mà người dân, cơ quan báo chí, phương tiện thông tin đại chúng
đã nhiều lần đề cập tới, nhưng có vẻ “đề
cập cho vui” chứ đơn vị thi công vẫn làm theo cách của mình (không cần phải
gỡ bỏ lưới, dây buộc xung quanh bầu cây). Thực tế nói lên tất cả.
Ấy vậy, việc đơn vị thi công coi nhẹ hiệu quả của công tác trồng
cây xanh đô thị có đáng để bàn hay không? Hơn nữa, không biết có cam kết hay hợp
đồng nào không giữa UBND thành phố với các đơn vị thi công. Bởi, việc “trồng - chết - trồng” không những ảnh hưởng
tới lợi ích (tiền thuế) của người dân mà còn ảnh hưởng đến mỹ quan của thủ đô cũng
như chất lượng các công trình thi công cây xanh đô thị.
Thử hỏi cái điệp khúc “trồng
- chết - trồng lại - chết - trồng lại” đến bao giờ? Việc trồng cây không đảm
bảo về các yếu tố kỹ thuật (kỹ thuật đánh, cắt tỉa, quy cách bầu cây, kỹ thuật
trồng, chăm sóc...) thì sẽ khó thành công và thực tế, mọi người tham gia giao
thông trên các cung đường quen thuộc hàng ngày nếu để ý sẽ thấy. Trước đó, tôi
cũng ít nhiều có đề cập đến việc “trồng -
chết - trồng lại” cây Bàng Đài Loan (Bàng lá nhỏ) trên đường Khâm Thiên. Dường
như, đa phần loài cây xanh nào khi được đơn vị thi công trồng trên các tuyến phố
nội đô Hà Nội thì tỷ lệ sống rất chi là khiêm tốn. Từ đây tôi nảy ra ý tưởng “rất cần những đơn vị đánh giá độc lập về hiệu
quả của các đơn vị thi công cây xanh đô thị cho tất cả các tuyến phố nội đô”.
Từ việc xác định loài cây, tuổi cây, biện pháp kỹ thuật đánh cây, tỉa cành, cắt
ngọn; biện pháp kỹ thuật trồng chăm sóc và quan trọng hơn cả, xác định thời điểm
trồng thích hợp nhất... chứ như thời gian vừa rồi, nhìn thấy các cây xanh được
trồng nhiều (thì rất mừng) nhưng chết cũng nhiều, rồi trồng lại thì không thể
không bận tâm.
Vì vậy, rất cần Sở KH&CN Hà Nội, UBND TP Hà Nội và các
Ban ngành có liên quan nhìn nhận lại vấn đề và khuyến khích các đơn vị, tổ chức,
cá nhân “nghiên cứu, đánh giá về hiệu quả
của các đơn vị thi công cây xanh trên địa bàn TP” trong thời gian qua, cũng
như có các đề tài nghiên cứu về mảng xanh đô thị như: cơ cấu loài cây, biện
pháp kỹ thuật, ảnh hưởng của khói bụi, ánh sáng, mưa bão... đến sinh trưởng
phát triển cũng như khả năng giảm tiếng ồn, điều hòa không khí của các cây
xanh, mảng xanh trên địa bàn thành phố. Để nâng cao hiệu quả của các đơn vị thi
công cũng như đem lại những lợi ích thiết thực từ cây xanh, mảng xanh đô thị
cho người dân và hướng tới đưa Thủ đô Hà Nội trở thành Thành phố xanh, sạch, với
tiêu chí cơ bản “Xanh - Văn Minh - Văn Hiến
- Hiện đại” theo QĐ 1495/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân TP Hà Nội, ngày
18/03/2014 về việc phê duyệt quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa
và hồ thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
0 comments:
Post a Comment