T
|
hời điểm trồng,
kỹ thuật trồng cây nói chung và cây xanh đô thị nói riêng có vai trò rất quan
trọng tạo nên sự thành công theo đúng nghĩa của nó cả về việc sử dụng hiệu quả
nguồn nhân lực, vật lực, cũng như tạo không gian xanh của một đô thị sinh thái
trong tương lai.
Trong bài nói
chuyện này, tôi muốn đề cập đến thời điểm trồng cây xanh đô thị, chứ chưa dám
đi sâu bàn về những vấn đề liên quan đến kỹ thuật (xin được trao đổi vào một
dịp khác). Ít bữa nay, không biết tôi học được cái tính xấu ở đâu, đi đường
nhìn ngó linh tinh, trong câu chuyện tôi muốn đề cập đến thời điểm trồng cây
xanh đô thị trên phố Khâm Thiên - Hà Nội. Ngày 12-13/01/2016 trên đường đi, làm
về tôi có đếm tổng số 42 cây xanh mới trồng trên Phố Khâm Thiên, phía bên đường
Tôn Đức Thắng, trong đó 10 cây (2 cây Bằng lăng và 8 cây Bàng Đài Loan) lá còn
xanh (dấu hiệu sống), chiếm 23,8% tổng số cây. Còn lại 32 cây (76,2%) có dấu
hiệu chết (lá khô quăn, héo). Phía bên kia đường, có tổng số 45 cây được trồng,
trong đó 28 cây (1 cây Sấu, 1 cây Bằng lăng, còn lại cây Bàng Đài Loan) lá còn
xanh, chiếm 62,2% tổng số cây, còn lại 17 cây (37,8%) có dấu hiệu chết. Tôi
chưa dám nhận xét những cây có dấu hiệu lá héo, khô quăn còn sống hay đã chết
nên định để một thời gian (ra tết) quan sát mới dám đưa ra kết luận. Tuy nhiên,
ngày 01/02/2016 (được khoảng 25 ngày sau khi trồng đã phải thay thế) trên cung
đường quen thuộc tôi có để ý, một số cây có dấu hiệu lá khô, héo (mà bữa trước
tôi chưa dám kết luận là chết) này được trồng thay thế bằng những cây Bàng Đài
Loan mới (không cắt cụt ngọn, cắt 2/3 cành lá như trước), nhưng cũng có dấu
hiệu chết (lá héo, khô quăn lại).
Thời điểm trồng
đợt trước vào khoảng 6-8/01/2016, tức là thời điểm tiết trời đang đông và có
thể bị ảnh hưởng mạnh bởi đợt rét đậm, rét hại từ ngày 22-28/1, đỉnh điểm vào
ngày 24/25/1/2016 tại miền Bắc. Sau đợt rét đậm, rét hại, cây chết lại được
thay thế bằng loạt cây mới khi đợt rét mới đang ảnh hưởng đến các tỉnh miền
Bắc. Điều đáng nói ở đây, dù không chịu ảnh hưởng của đợt rét đậm rét hại trên
thì thời điểm trồng cây nói chung và cây xanh đô thị nói riêng là chưa hợp lý.
Thời điểm mà đa phần các sinh vật nói chung hạn chế (ngừng) sinh trưởng phát
triển, nhiều loài phải ngủ đông, trú đông (các loài rụng lá vào mùa thu đông),
đến con người khi ra đường cũng như trong nhà còn khoác lên mình hết lớp áo này
đến lớp áo kia, bịt kín như bưng ngoại trừ 2 đôi mắt. Thế mà ai đời lại đi đánh
cây (chặt bộ rễ của cây, cắt ngọn, cắt cành) và trồng cây vào thời điểm như
vậy, cây ra mô sẹo, mọc rễ mới và sống làm sao được, ngoại trừ trường hợp có
thuốc tiên.
Tại khoản 2, 3
Điều 11 Nghị định 64/2010/NĐ-CP về quản lý cây xanh đô thị không nói rõ cụ thể
thời điểm (thời vụ) trồng thích hợp, chỉ nói chung chung là việc trồng cây xanh
đô thị phải bảo đảm đúng quy trình kỹ thuật. Nên chăng cần có những nghiên cứu
về thời điểm trồng thích hợp (còn nhiều vấn đề cần nghiên cứu khác) cho từng
loài cây xanh đô thị để dễ áp dụng vào thực tiễn, cũng như sử dụng hiệu quả
nguồn lực và ngân sách của Nhà nước. Để cây xanh được trồng, chăm sóc, quản lý
bảo vệ và phát triển tạo vẻ đẹp theo đúng nghĩa của nó, hạn chế những cây xanh
số không may mắn phải chết một cách đáng tiếc trước khi đem lại những ích lợi
to lớn cho môi trường sinh thái.
0 comments:
Post a Comment