M
|
ọi người thường nói, sướng khổ do
chính bản thân mình (nhân hòa). Lựa chọn và quyết định cuộc sống, tương lai là
phần lớn do mình quyết định, còn lại là thiên thời, địa lợi (mình không lựa chọn
được). Bởi sống trong môi trường xã hội ấy, mỗi cá nhân không thể thay
đổi được gì mà chỉ còn cách thích nghi cho phù hợp với chế độ ấy
mà thôi. Vậy yếu tố thích nghi của mỗi cá nhân, tức là nhân hòa sẽ quyết
định phần lớn đến cuộc sống, sự nghiệp và tương lai của mình.
Một buổi sáng nọ, đi chơi xung quanh
hàng xóm, tình cờ nghe được câu chuyện mà thấy chạnh lòng thay. Trong
câu chuyện, là người cha hàng ngày sống tằn tiện, vất vả (đời sống vật chất
cả tinh thần) để trả nợ cho con, khi một thời vàng son, dù ít tuổi
đã kiếm được nhiều tiền. Quản lý tiền không hiệu quả, kiếm được đến đâu chơi bời
(đỏ đen) hết đến đó. Nay bố mẹ còng lưng ra kiếm tiền trả cho
những khoản nợ không đâu của con (cả những khoản chơi bời). Trong khi ông
con “quý tử” đâu nghĩ được là thương
bố mẹ già mà tu trí làm ăn, kiếm tiền trả những khoản nợ của
mình. Vẫn ăn chơi bừa phứa, đi biền biệt cả năm trời không về mà có đợt tôi
có nói trong bài xuân này con không về.
Vốn sinh thời nơi đồng quê chiêm
trũng, đã quen với những nhọc nhằn của đồng ruộng. Điều đáng nói là, cuộc sống
của người bố chẳng yên, khi thi thoảng lại có những đợt “khủng bố” về tinh thần, đặc biệt
vào những dịp lễ, tết. Khi dân đòi nợ thuê đến nhà chửi bới, dọa nạt này nọ.
Cũng thật khổ, con chơi bời vay nặng lãi thì đi làm biền biệt chẳng mảy may đến
khoản nợ, trong khi ngày qua ngày lãi mẹ đẻ lãi con. Tuy mỗi chỗ dăm
ba triệu, nhưng cũng đủ để làm cuộc sống về mặt tinh thần của
người bố sa sút đi nhiều. Tóc nay đã bạc thêm nhiều, ngày ngày trăn trở về con,
về những khoản nợ không nhỏ. Tuổi đã cao mà chưa được nghỉ ngơi
tuổi già.
Một mình sống cảnh bần cùng (có thể coi
là Lão Hạc thế kỷ 21). Người vợ cũng phải đi làm thuê trên thị thành
(đi làm osin). Cũng may ở quê còn tình làng nghĩa xóm, đặc biệt có cô
con gái lấy chồng gần, nhiều lúc cũng nương tựa, nhờ vả sớm hôm khi ốm
đau hay “đông vụ chí kỳ”.
Mới đây, ông con giời (quý tử) về quê,
chẳng biết đi làm kiếm được nhiều tiền không? Về mua ngay điện thoại “xịn”, cái mà ông bố gọi là “mút trượt”. Hỡi ôi, giá trị ngót tấn
thóc (thóc giá 6.000đ/kg). Trong khi bố ngoài 60 tuổi ở nhà một
mình, khi rảnh rỗi, tranh thủ đi bắt cua cả buổi được 36 nghìn lẻ,
nhiều khi cũng không dám để lại ăn. Khổ, nhiều hôm có người gọi đi làm
giúp (nói làm giúp cho tình cảm thôi), khuân, vác đổ 8 tạ thóc vào
hòm, đánh một đống rơm to, người ta trả công những 70.000đ. Những đồng tiền
nhọc nhằn, vất vả mà người cha đi làm thuê. Thật to, thật giá trị cho
sức khỏe mình bỏ ra của cái tuổi xế chiều. Trong khi, ông quý tử về nhà
nằm chềnh ềnh lên mạng, chát facebook, lướt web... đến bữa không có thức
ăn thì mặt xị ra. Khó có thể diễn tả nổi cảnh tượng khi ấy. Ở nhà
chơi chán, khi đi lại chìa tay xin 100 - 200 nghìn tiền đi xe. Thất vọng hết
chỗ nói.
Có đợt đi làm xa về, đưa cho bố 5
triệu, để bố trả tiền lãi vay hàng tháng. Nghe tin ông quý tử về,
dân đòi nợ lại đến. Chửi bới, dọa nạt. Giấy vay nợ con ký. Người bố lại
phải trả 5 triệu tiền con đưa, trong khi vay nợ là 5,8 triệu. Thật buồn.
Đi làm kiếm tiền, quản lý đội buộc sắt xây dựng, tháng làm đủ công và làm
thêm thắt cũng được cả chục triệu. Chục triệu to lắm chứ, khi ở quê
làm gì ra tiền. Bố tằn tiện ngày ngày, vất vả sớm hôm, có quả trứng
gà dành dụm cho cháu, cho con. Ấy vậy mà con đâu có biết nghĩ cho bố mẹ,
cho gia đình. Nhiều lần bố bảo dành dụm mua cho bố con bò để ngày
ngày bố đi chăn, mỗi năm may mắn cũng có chục triệu (3 năm 2 lứa bê). Bố đỡ phải
mò mẫm sớm hôm bắt con cua, con cá. Không phải đi làm thuê với đồng công bèo bọt.
Tuổi bố ngoài 60, tóc đã bạc, sức khỏe yếu dần. Đó là những lời tâm sự rất
thật khi tôi có đến chơi. Bác cũng dặn tôi, khi nào gặp hay nói chuyện, góp ý
cho em nó bớt chơi, biết suy nghĩ cho bố, cho mẹ, cho gia đình. Thật buồn. Thương
cho Bác.
Tôi cũng có chơi với cậu ấy, tuy
không phải anh em ruột thịt, thân thiết. Nhiều lần cũng ngồi tâm sự thật
lòng, nói nhiều, góp ý, phân tích cho em ấy hiểu. Nhưng cũng chỉ là gió
thoảng qua tai mà thôi. Bởi những gì em ấy trải qua đâu còn ít, ra đường
kiếm tiền cả chục năm rồi, cờ bạc, đỏ đen, cá độ, games... còn
gì mà em ấy chưa trải nghiệm? Cái quan trọng chơi để biết, sau
những lần trải nghiệm như vậy, em ấy rút ra được những gì?
Phần sau của câu chuyện, Thang Le sẽ gửi tới quý bạn đọc câu chuyện nhỏ với tựa đề: "Con giời". Trận trọng được giới thiệu.
0 comments:
Post a Comment