C
|
âu chuyện kể về một bạn nhỏ,
được mẹ mua cho 1 đôi dép tổ ong nhưng lại to hơn đôi bàn chân
đáng yêu, xinh xắn. Chắc nghĩ cứ mua rộng hơn mai mốt em ấy lớn lên
là vừa, chứ mua vừa, được một thời gian thì chật. Chuyện chẳng có chi phải
bàn, nhưng tự nhiên tôi lại liên tưởng đến chính người lớn chúng ta trong
xã hội thực tại.
Khi chiếc dép to hơn đôi bàn chân,
mẹ bạn sáng tạo tự làm dây quai dép bằng dây chun, với mục đích để bạn ấy
đi cho đỡ tuột. Đơn giản vậy thôi. Người lớn chúng ta khi nhìn thấy chắc
ít ai mà không thể không cười (cười vui) về sự sáng tạo đó.
Trong khi bạn ấy chưa nhận thức được việc đi đôi dép như vậy sẽ làm
người khác cười (vui), tức là không hợp, chứ chẳng ai chê con trẻ. Đối với
người lớn chúng ta chắc chẳng ai có thể đi đôi dép hay mang những vật dụng
khác “kệnh cỡm” trên người ra đường. Bởi như vậy là mắc cỡ. Đa phần chắc
ai cũng nghĩ vậy.
Đối với chúng ta, khi ra đường việc ăn
mặc chỉn chu, mix đồ theo phong cách, gu thời trang không phải không một
ai là không để ý, trừ trường hợp cá biệt. Ai cũng thể hiện qua
hình thức bên ngoài mà cố che giấu đi những nội tâm, uẩn khúc bên trong. Bởi
mặc đẹp, mix đồ hợp thời trang ai cũng muốn, pháp luật không cấm. Nhưng
quan trọng hơn cả, giữa hình thức và nội dung phải khớp, ăn nhập với nhau. Ý muốn
nói, nhiều người bề ngoài ra vẻ học thức này nọ, ngoài xã hội có vị trí
đáng nể, hay nhiều trường hợp bên ngoài con người ra vẻ tươi cười, hòa đồng
với người đối diện nhưng thâm tâm bên trong chăng ưa gì nhau, tức “bằng
mặt mà không bằng lòng”.
Nhiều trường hợp giữa vị trí và
năng lực khập khiễng nhau, tức ngồi nhầm chỗ trong các bộ máy công
quyền. Dự vào mối quan hệ, tiền bạc, biết luồn cúi... mà tiến thân trong
khi năng lực chuyên môn chẳng đâu vào đâu, thậm chí dùng mọi cách để có
cái danh - những danh xưng phù phiếm. Bởi thực trạng “mua quan bán chức”
hiện nay, mà vị UB TƯ MTTQ VN Lê Truyền cho rằng phải khép tội
hình sự hành vi “mua quan, bán chức”, cho thấy mức độ diễn ra như thế nào
trong các bộ máy công quyền hiện nay. Nguyên Bộ trưởng Phạm Vũ Luận từng
thẳng thắn “việc học giả, bằng giả, rồi học thật nhưng chất lượng giả chỉ có
thể chui vào hệ thống chính trị của chúng ta, không chui được
vào doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài” (1) cho thấy thực
trạng sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả ngày càng trở nên
nghiêm trọng như thế nào. Theo Bộ GD&ĐT, tính đến đầu năm
2001 đã phát hiện hơn 3.000 trường hợp sử dụng văn bằng bất hợp pháp,
trong đó có hơn 1.000 công chức bị phát hiện dùng bằng giả (2)... cho
thấy vấn nạn “bằng giả” hiện nay. Còn trường hợp “bằng thật học giả” thì khó mà
đánh giá được. Bởi những trường hợp “bằng giả”, “bằng thật học giả” chỉ có
thể “chui” vào hệ thống bộ máy công quyền. Và chuyện “ngồi nhầm
chỗ” ở nhiều vị trí dẫn đến cách quản lý yếu kém ở một
số bộ phận không phải dễ dàng thay đổi cho phù hợp. Bởi cái tư duy
“sống lâu lên lão làng” đã ăn sâu trong gốc rễ của chế độ “chạy
chức, chạy quyền”.
Quay lại câu chuyện em bé với đôi bàn
chân nhỏ hơn dép, hàng ngày em ấy vẫn vui tươi nô đùa, sống vô tư mà chẳng
hề bận tâm mình đi đôi dép không hợp. Chuyện em ấy đi đôi dép nào đi
chăng nữa chẳng hề ảnh hưởng gì đến cuộc sống vô tư của con trẻ. Em ấy
chẳng cảm thấy xấu hổ vì chuyện đó, tâm hồn em ấy trong sáng, vô tư,
hồn nhiên. Trong khi người lớn chúng ta, từ lúc dần biết nhận thức được
những cung bậc cảm xúc cuộc đời cũng là lúc mất dần đi cái "thiên chân" quý giá của
đời người. Chúng ta biết ăn ngon, mặc đẹp (hình thức) nhưng thâm tâm, tiềm thức
lại đi ngược với những biểu hiện bề ngoài. Xã hội không thiếu những con người
ăn mặc bảnh bao, đẹp trai xinh gái nhưng lại có những hành động khiếm nhã, ăn
nói thô tục, kém văn hóa. Trong bộ máy công quyền không thiếu những con người
“ngồi nhầm chỗ” làm ảnh hưởng đến cả tập thể. Nếu chúng ta chẳng màng
đến những danh xưng phù phiếm, chẳng quan trọng đến chỗ đứng, ghế ngồi
hay bớt quan trọng hóa hình thức... mà làm việc, cống hiến một cách tâm huyết,
sống trong sáng như tâm hồn trẻ thơ thì xã hội, đất nước này tốt
đẹp biết bao?
Một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa
xuân. Phàm là người trần mấy ai không bị xao nhãng bởi cám dỗ cuộc đời.
Chế độ đã vậy chỉ còn biết cách thích nghi. Bởi dây thần kinh “xấu
hổ” trong mỗi chúng ta dần biến thái do “nhờn thuốc”. Thiết nghĩ, trong mỗi
chúng ta phải biết và học cách "TIẾT CHẾ" trước những cám dỗ đó đây.
========================================================================
(1) http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/163940/bo-truong-pham-vu-luan-chan-duong-bang-gia-nhu-the-nao.html
(2) http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/bang-gia-hoanh-hanh-20150117232700808.htm
0 comments:
Post a Comment