“Phận” mang danh một “nghiên cứu viên” với công việc chính liên quan đến việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học & công nghệ các cấp (cấp quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh, cấp cơ sở, … hay các chương trình khác), TỪ việc viết đề xuất nhiệm vụ, xây dựng thuyết minh, dự toán; bảo vệ đầu vào (thuyết minh, tài chính) trước các hội đồng khoa học; … ĐẾN khi may mắn ĐƯỢC thì bắt đầu vào triển khai các nội dung công việc của nhiệm vụ, viết các báo cáo thành phần, viết và đăng bài báo (trong nước), VÀ KẾT THÚC là viết báo cáo tổng kết, bảo vệ đầu ra (nghiệm thu chuyên đề, nghiệm thu cấp cơ sở, cấp bộ hay cấp quốc gia); tiếp đến, chỉnh sửa, hoàn thiện, giải trình, và nộp lên Cục Thông tin quốc gia (đến đây coi như đã xong). Nói vậy thì có thể thấy để hoàn thiện một nhiệm vụ KH&CN thì tương đối đơn giản và nhanh, gọn, nhẹ. Tuy nhiên, để bắt tay vào thực hiện là vô vàn những gian nan mà không phải ai cũng lường trước đây. Có làm có sai. Về vấn đề này mình sẽ dần chia sẻ ở những cái note khác. Trong phạm vi bài này, mình sẽ đề cập đến 3 vấn đề chính mà mỗi người “nghiên cứu viên” nên biết để làm hành tranh cho mình trong công cuộc thực hiện các nhiệm vụ KH&CN các cấp (ở thời điểm này).
(lấy
bông hoa Phi điệp Easo làm minh chứng – mọi thứ đều phải có quá trình, việc
nóng vội hay đốt cháy giai đoạn không bao giờ đơm một bông hoa đẹp theo đúng nghĩa của nó. Bông này đã qua thời điểm đẹp nhất)
Thứ
nhất, bắt
đầu từ việc nhỏ nhất
Viết
đề xuất nhiệm vụ phải cần bám sát vào các mục tiêu của các nhiệm vụ hay các
chương trình hoặc tính thời sự/cấp thiết của những vấn đề trong xã hội có liên
quan đến vấn đề/lĩnh vực mình muốn tham gia. Tiếp đến, lên mạng tìm kiếm các
thông tin có liên quan, tìm đọc các báo cáo (xem họ đã làm được, chưa làm được
gì – nếu có); bắt tay vào viết, viết, và viết (viết – sửa – viết – sửa… nhiều lần);
xin ý kiến từ các chuyên gia, nhà khoa học, và những lãnh đạo. Bởi mỗi người có
góc nhìn riêng nên một đề xuất hay thuyết minh sẽ được đánh giá cao (về mặt chất
lượng) khi được sự góp ý từ nhiều người, nhiều góc độ khác nhau. Qua mỗi góp ý,
mình chỉnh sửa và lấy đó làm bài học cho những cái sau, từ những cái nhỏ nhất
(lỗi chính tả, hay cả từ “văn nói” ) đến cách hành văn cho đúng với văn phong
khoa học, …).
“Viết”
chứ không phải “copy - paste” (chuyện copy-paste và dẫn nguồn mình không đề cập
ở đây). Mình nhận thấy, nhiều người (không phải tất cả) bây giờ rất lười đánh
máy (viết). Lên mạng tìm kiếm thông tin hay có báo cáo (bản word) là chỉ muốn
copy-paste cho nhanh. Rất ít khi chịu khó đánh máy lại. Nên chuyện thiếu sự
logic trong đặt vấn đề, hay các nội dung/công việc thực hiện thiếu sự ăn nhập với
nhau. Khi copy-paste, mình sẽ ít suy nghĩ đến việc dùng từ hay câu chữ sao cho
hợp lý. Có trường hợp (hơn 3 trường hợp) đã có bản cứng (bản in, thậm chí là bản
pdf) nhưng lại muốn xin bản word để đỡ phải đánh lại hay từ bản pdf tìm cách
chuyển đổi về bản word để đỡ phải gõ lại. KHÔNG muốn bỏ thời gian để đánh lại,
suy nghĩ trong cách dùng từ; không muốn viết nhiều; MÀ lại muốn có khả năng viết
tốt, viết giỏi. CHUYỆN KHÔNG TƯỞNG.
Quan
điểm của mình trước nay, mặc dù kế thừa trong nghiên cứu là cần thiết, nhưng cả
khi có bản word mình cũng không bao giờ copy-paste. Đánh lại, viết lại. Lấy
thông tin đó, dùng từ hay câu theo cách của mình. Mình nghĩ dần dà sẽ cải thiện
dần khả năng viết lách của mình. Đó vẫn luôn là tôn chỉ của mình khi liên quan
đến viết, dù viết bất cứ cái gì. Vì vậy, mình nghĩ nếu bạn nào muốn theo đuổi sự
nghiệp của một người nghiên cứu viên, đặc biệt là theo đuổi con đường nghiên cứu
khoa học NÊN bắt đầu từ những việc nhỏ nhất – tập viết, học viết, và viết (chứ
không phải copy-paste).
Thứ
hai,
trung thực
Hành
trang của một người nghiên cứu viên rất cần tính “trung thực”. Ở một cái note
khác, mình có cũng chia sẻ liên quan đến tính trung thực trong nghiên cứu khoa học – liên quan đến chuẩn bị hồ sơ (CV – sơ yếu lý lịch của các thành viên tham
gia nhiệm vụ) để đi đấu thầu. Ở góc độ cá nhân, mình không có ý chỉ trích một
ai đó, mà chỉ muốn chia sẻ để các bạn trẻ mới ra trường nếu muốn theo đuổi con
đường nghiên cứu khoa học nên học và giữ được tính trung thực trong mọi vấn đề.
Có
trường hợp, một bạn sinh viên mới ra trường được giao viết một cái báo cáo
chuyên đề, khi thời gian gấp gáp, cần phải có báo cáo để làm thủ tục thanh quyết
toán (giải ngân), khi đi điều tra thực địa chưa có đây đủ thông tin, thậm chí
chưa đi điều tra nhưng vẫn phải có số liệu cho báo cáo. Sau một vài đêm là có
báo cáo với các bảng số liệu tương đối đầy đủ (ngon lành cành đào), hay bảo phải
thêm cái này (số liệu không có) hôm sau là có ngay. Lãnh đạo nào ai chẳng thích
(chắc nghĩ trong bụng, bạn này được, khi mình cần gì [số liệu, báo cáo] là có
ngay). Biết rằng, vấn đề giải ngân (ban đầu chỉ cần số lượng và đầy đủ, chưa cần
đến chất lượng) và thực trạng viết báo cáo trong một vài đêm (thậm chí là 30
phút hay 1 tiếng/1 báo cáo) đâu đó vẫn hiện hữu trong môi trường của một người
nghiên cứu viên.
Một
lần (đành liều), hai lần, và nhiều lần sẽ trở thành một kỹ xảo (thói quen). Vì
vậy, mình nên khuyên các bạn trẻ mới ra trường nên hành trang cho mình tính
trung thực không chỉ trong môi trường nghiên cứu mà cũng rất cần trong mọi vấn
đề của cuộc sống và “HÃY LÀM ĐÚNG NGAY TỪ ĐẦU”.
Thứ
ba, nhận
dạng nhầm lẫn của chính mình
Ở
cái note Nhận dạng nhầm lẫn của chính mình mình cũng có chia sẻ về mỗi chúng ta
(nghiên cứu viên) cần phải tự ý thức trong việc tự tìm hiểu (thông qua đọc tài
liệu, các báo cáo, bài báo, các vấn đề có liên quan,…), và thậm chí tự tập làm
phản biện (đề xuất, thuyết minh, báo cáo, bài báo…) để học hỏi được nhiều điều
từ những công trình, kết quả của những người đi trước hay ở các đơn vị khác có
liên quan đến vấn đề, lĩnh vực mình quan tâm. Kinh nghiệm của người bình duyệt. “Làm người bình duyệt là một hình thức tự mình trau dồi kỹ năng nghiên cứu:
nhận dạng nhầm lẫn của người khác cũng có nghĩa là nâng cao kĩ năng nhận dạng
nhầm lẫn của chính mình” [1]. Theo đó, mình luôn tự ý thức trong
việc tập đọc, tập góp ý, tập làm phản biện từ các đề xuất nhiệm vụ, thuyết minh
nhiệm vụ, các báo cáo sản phẩm (chuyên đề, bài báo, báo cáo mô hình, …), báo
cáo tổng kết nhiệm vụ hay thậm chí là các luận án (thạc sĩ, tiến sĩ). Qua đó, biết
và học hỏi thêm được nhiều điều (những kiến thức mới, những cái sai sót), đúc
rút kinh nghiệm, và nhằm hạn chế dần những thiếu sót hay những nhầm lẫn của
mình trong PHẬN một người “nghiên cứu viên”.
Trong phạm vi cái note này, mình chia sẻ một
vài thông tin để các bạn muốn theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học theo đúng
nghĩa nên (i) bắt đầu từ những việc nhỏ nhất (tập viết, viết, và viết), (ii)
trung thực trong mọi vấn đề từ công việc nghiên cứu đến mọi vấn đề của cuộc sống,
và (iii) nâng cao khả năng nhận dạng nhầm lẫn của chính mình thông qua những
sai sót của người khác. Đây cũng là những bài học cười ra nước mắt, thậm chí là
xương máu (mất chữ tín, mất tài chính) của cá nhân mình. Hy vọng sẽ là thông
tin hữu ích cho một ai đó nếu muốn quan tâm.
Hẹn gặp lại ở cái note tiếp theo trong chuỗi Bước
đầu nghiên cứu khoa học. Trân trọng!
========================
[1] Nguyễn Văn Tuấn
(2013). Từ nghiên cứu đến công bố - Kỹ năng mềm cho nhà khoa học.
Nxb Tổng hợp TP HCM, tr 31
0 comments:
Post a Comment