Ở
|
các bài viết trước, tôi có đề cập xoay quanh
câu chuyện “ông con giời” bấy lâu nay đã làm cho gia đình, đặc biệt Lão hạc phải
đau đầu, nhức óc, luôn trăn trở về những khoản vay, khoản nợ cũng như về chuyện
con cái. Trong phạm vi bài này, để quý bạn đọc đỡ cảm thấy nhàm chán, tôi xin đề
cập đến “công cụ kiếm cơm” của Lão hạc hiện nay. Đó là “rổ chao cua”. Dùng cụm
từ “công cụ kiếm cơm” nghe có vẻ hơi bi quan, bởi những lúc nông nhàn Lão mới
đi chao cua (mò cua bắt ốc), chứ một mình Lão có sự giúp đỡ của con gái lấy chồng
gần, mỗi vụ vẫn cấy 5 - 6 sào ruộng (sào bắc bộ) chứ ít đâu. Ngoài ra, ruộng
màu còn trồng lạc, trồng ngô, đậu tương đông. Những lúc neo người quá, bởi con
gái, con rể còn con cái, ruộng đồng của mình, khi rảnh mới sự bố một hai buổi.
Khi đó, Lão gọi sự trợ giúp từ người thân - Lão bà. Lão bà giờ đang giúp việc
(ô sin) trên thủ đô. Lão bà phải xin nghỉ phép một vài bữa về giúp Lão ông khi
được sự đồng ý của chủ nhà, đỡ việc lại khăn gói quả mướp lên thị thành với
công việc thường nhật. Giúp việc.
Công cụ kiếm cơm của
Lão những lúc nông nhàn là cái “rổ chao cua” mà Lão tự chế. Sáng tạo không kém
đâu nhé. Rổ chao cua của Lão là sự kết hợp giữa các thanh tre, lưới, vỏ chai nước
bỏ đi. Sự kết hợp đơn giản nhất có thể. Cạp bằng tre, lòng rổ là 4 - 5 thanh
tre uống cong, vắt ngang dọc, để tạo hình một cái rổ. Dùng lưới chăng lại và buộc
chặt vào thành (cạp) rổ. Hoàn thành một cái rổ không thể đơn giản được hơn. Sự
sáng tạo của Lão còn được thể hiện qua việc dùng vỏ chai nước bỏ đi để buộc vào
các góc, cạnh của thành rổ, với tác dụng giúp thành rổ có thể nổi trên mặt nước
mà không cần dùng tay đỡ. Và, hai tay có thể thoải mái “rũ” bèo. Chắc mọi người
ít nhiều đã từng đi chao cua một đôi lần, hoặc vô tình hay hữu ý nhìn thấy người
dân chao cua bên đường, đặc biệt về các vùng quê đồng bằng Bắc bộ. Nhưng xin được
giải thích qua một chút để bạn nào chưa từng nhìn, làm công việc đó dễ hình
dung hơn.
Công cụ kiếm cơm của Lão hạc (chụp sau cơn bão số 1/2016 - Mirinae)
Trong quá trình
chao cua. Người chao phải dùng hai tay cầm thành rổ, đưa một phía của rổ chao
sâu xuống dưới, rồi lựa đám bèo, mảng rau... vào lòng rổ. Nhờ có vỏ chai (rỗng)
làm nổi thành rổ, nên không phải dùng tay đỡ. Hai tay rũ bèo, tác động làm sao
để con cua, cá, ốc... có bám, trú ngụ trong rễ bèo, mảng rau chạy ra bên ngoài.
Tiếp đó, dùng tay nhấc hẳn đám bèo hoặc lựa nhẹ qua thành rổ ra ngoài. Tiếp tục.
Lần lượt như vậy. Cho đến khi hết bèo trong lòng rổ có thể dùng hai tay nhấc rổ
lên, có tôm, cua, cá, ốc, ếch... nằm gọn trong lòng rổ là cho vào “rỏ”, hoặc vật
dụng đựng. Trường hợp, cua cá ít thì có thể lựa từng đám (nhiều đám) vào rổ. Rồi
rũ. Lựa ra. Lựa vào. Rũ. Lựa ra... một vài đám mới nhấc rổ lên. Bởi, nhiều đám
không có nên nhấc rổ lên nhiều vừa mệt người, vừa mất thời gian. Đó là một vài
thông tin cơ bản mà người viết đã từng trải nghiệm qua việc “chao cua” ở vùng đồng
bằng chiêm trũng.
Trong bức ảnh trên
là cái rổ chao cua bấy lâu nay đã bầu bạn với Lão những lúc nông nhàn. Tuy đơn
giản vậy thôi, nhưng rất hữu ích cho việc Lão kiếm con cua, con tôm cải thiện bữa
ăn, cũng như có thêm đồng ra đồng vào (tiền điện, tiền mắm, muối...). Bữa nay,
người đi chao cua như Lão cũng có nhiều, nên chỗ chao ngày càng ít đi và tôm,
cua cũng ít đi từng buổi. Bởi không thể vừa chao buổi sáng, buổi chiều lại chao
hay hôm qua vừa chao hôm nay chao lại sẽ không hiệu quả (không có). Bởi cua cá
đâu có sẵn. Thành quả là mỗi buổi, thậm chí cả ngày, ngoài việc bớt lại những
con nhỏ, con loại để ăn, Lão cũng kiếm được dăm ba chục bạc, có hôm gặp “quả”
kiếm cả bạc trăm như chơi.
Để có thể kiếm được
nhiều hơn, Lão phải đi xa hơn. Và công cụ bên Lão khi đó, ngoài chiếc rổ chao
cua là chiếc xe cà tàng. Những lúc chao cua như vậy, nếu chỉ chao gần bờ thì được
rất ít, thậm chí chẳng được con nào, bởi nhiều người chao, chao đi chao lại lấy
đâu ra. Vào Lão phải lội ra xa hơn để chao. Cả buổi trầm mình trong nước như vậy
sẽ là không tốt, bởi tuổi Lão đã cao, sức đã yếu dần theo năm tháng. Và, Lão nhờ
đến bộ “quần ủng”. Không biết dùng từ như thế nào cho thích hợp hơn. Nhưng đó
là bộ quần ủng dài, dài hơn nhiều bộ ủng mà mấy cô đi cấy ngày nay. Bộ ủng khủng
đến mức, đi và mặc vào, có thể trùm lên tận ngực, có hai quai dây vắt trên vai
để giữ. Và như vậy, Lão có thể thoải mái chao cua, lội ra phía ngoài mà không sợ
nước vào người.
Một buổi Lão đi chao cua về bên chiếc xe cà tàng, rổ chao, quần ủng, mũ cối...
Khi Lão mặc bộ đồ
vào người, đi bên cạnh chiếc xe cà tàng cùng công cụ kiếm cơm “rổ chao cua”, đầu
đội mũ cối, kết hợp với dáng người cao, bước đi chậm... có thể nói rằng Lão “khổ”.
Hàng xóm xung quanh, người đi đường nhìn thấy không thể không thương cho Lão. Cảnh
một mình neo đơn. Tuổi như Lão, giờ sum vầy, vui vẻ bên con cháu, gia đình. Ấy
vậy, mà Lão sống cảnh đơn chiếc. Ngày đúng bữa, hôm muộn giờ. Thậm chí, ba bữa
dồn hai. Nấu một bữa ăn cả ngày... Hỏi, Lão không khổ ư? Không thương Lão ư?
0 comments:
Post a Comment