N
|
hư bài trước mình đề cập, có dịp đi
lên Ngọc Chiến (Mường La, Sơn La) để có những trải nghiệm thật thú vị, xen lẫn
cả đôi chút mạo hiểm, hơi sờ sợ. Dùng từ “mạo hiểm” thì hơi quá một chút, bởi cung đường
ấy người dân vẫn đi lại hàng ngày, giao thương với các bản làng, xã, thị trấn... xung quanh huyện, liên huyện. Tuy nhiên, với những ai lần đầu trải mình trên những khúc đường quanh co, những con dốc
như muốn dựng ngược lên, rồi đổ đèo; những đoạn đường đất, ổ gà, ổ voi, những
rãnh sâu ngang dọc con đường (thi thoảng có đoạn như vậy)... thì không thể
không có những cung bậc cảm xúc vui có, quạnh hiu có, thậm chí cả đôi chút sợ hãi nữa.
Hai bên đường toàn là núi đồi, rừng
cây thăm thẳm như muốn nuốt chửng những hình dáng bé nhỏ của con người, sinh vật trên
cung đường đó. Xen vào đó là những nương lúa chín vàng óng, tạo
thành những dải, rãnh dài cắt ngang lưng chừng đồi. Bởi người dân canh tác lúa
nương trên ruộng bậc thang, theo đường đồng mức, trông rất đẹp mắt. Thời điểm đó, có một vài hộ
đang gặt, tuốt lúa ngay bên đường. Lúa được tuốt bằng máy đạp chân. Hai người vừa
đạp vừa cho ăn (tuốt lúa), một người hoặc hai người phụ, đưa lúa. Nếu neo người có thể vừa
đạp, vừa cho ăn, vừa lấy lúa (lúa gặp xong không bó, mà xếp thành đống). Tuốt lúa
bằng máy đạp chân bây giờ dưới xuôi rất hiếm, bởi cơ giới hóa nông nghiệp, máy
vào tận nhà, máy ra tận ruộng. Tuy nhiên, thi thoảng đâu đó vẫn có hộ mang máy
tuốt bằng chân ra ngay ngoài ruộng, người gặt, người tuốt (vụ thu năm 2015 ở
làng Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội tôi vẫn thấy).
Hộ gia đình người dân tộc Thái tuốt lúa bên đường
Khi ngang qua hộ đang tuốt lúa bên đường,
muốn chụp lại bức ảnh làm kỷ niệm. Ngồi sau. Xe đang chạy. Ảnh vẫn chụp. Thấy
tôi chụp, một vài người tỏ ra vui vui (cười), như muốn xua đi những nhọc nhằn,
vất vả mà không dấu nổi trên khuôn mặt tươi cười. Dọc đường bắt gặp các em nhỏ "đeo gùi" trên
lưng (đi nương, đi rừng). Thay vì được cắp cặp đến trường như bao trang lứa
khác. Các em phải tham gia sản xuất cùng gia đình, đi rừng hái rau, măng, lượm
củi... Tuy nhỏ con so với mặt bằng chung, nhưng trông các em rất khỏe, những bước
chân thoăn thoắt khi đi ngược dốc. Thật nể phục. Một số em tham gia bán hàng ngay bên đường.
Thực ra, chỉ bán những loại quả gia đình trồng được (quả dưa Mèo to, vàng ươm)
hay măng đi rừng, trứng gà...
Cụ bà, các em nhỏ bán "Dưa mèo" bên đường
Xe chạy chậm lại. Phải về số khi vượt
dốc. Nhiều lúc chỉ bò từng mét một, giống như trâu (bò) kéo nặng lên dốc. Người
ngồi trên xe như muốn rơi lại phía sau nếu không bám chặt. Phải cứng tay lái mới
có thể đi đúng đường (rãnh), tránh đúng chỗ. Bởi ngay đoạn vượt dốc, đoạn đường
bị sạt lở, nền đường toàn đá do chưa trải nhựa. Đá nhỡ, đá nhỏ lổm nhổm trên mặt
đường. Bánh xe chồm lên rất dễ bị trượt, ngã. Xe đi nhiều thành một rãnh rộng
chừng hơn 20cm, nên phải cứng tay đi đúng rãnh đường mà người dân hàng ngày vẫn
đi. Thật hú vía. Lên đỉnh dốc, rồi lại đổ dốc. Xe phải về số 1 để gì máy. Dùng cả
phanh chân, phanh tay khi cần thiết để hạn chế tốc độ khi xe đổ dốc. Người và
xe như muốn đổ ngược về phía trước. Người ngồi sau phải bám thật chắc vào khung
cầm phía sau đuôi xe nếu không muốn tạo áp lực đẩy người phía trước trợt khỏi
yên xe. Thật khó có thể diễn tả được những cảm xúc khi đó.
Càng lên cao, mây mù như trên đỉnh đầu,
cảm giác se lạnh xen lẫn một chút khó chịu. Khó chịu, ù tai bởi khi lên cao, áp
suất thay đổi, không khí (oxy) loãng hơn dẫn đến việc hít thở khó khăn hơn. Nhiều
người sẽ cảm thấy hơi choáng một chút khi chưa quen. Theo kinh nghiệm của những
người đi miền ngược, khi thay đổi độ cao đột ngột, để dễ thích nghi, chúng ta
nên “ngáp” (kiểu như ngáp ngủ) một cái thật thoải mái (miệng há rộng). Khi đó
quai hàm được mở rộng hết cỡ để hạn chế áp suất tạo áp lực ở tai, gây ù tai và
sau khi ngáp xong, phổi đảm bảo được lượng oxy cung cấp cho máu. Như vậy, chúng
ta cảm thấy đỡ ù tai, mệt mỏi, khó chịu hơn.
Lên lưng chừng. Dừng xe. Nhìn quay lại
phía sau là cả một hình ảnh hùng vĩ của núi đồi vùng Tây Bắc (một góc nhỏ). Xa
xa những dải lúa nương vàng óng như những vệt vàng điểm tô cho những thảm xanh
mênh mông của núi rừng. Rồi những điểm trắng, nhỏ (nóc nhà bằng tấm fipro xi
măng) xen lẫn rừng xanh ngút ngàn. Đó có thể coi là “điểm nhấn” cho khung cảnh
nơi đây. Bởi, nó là minh chứng cho sự sống của con người giữa đại ngàn núi rừng.
Rồi những khoảng trống như ô, thửa bởi nương canh tác ngô, lúa của người dân.
Đó là điểm đặc trưng của người dân vùng cao. Canh tác nương rẫy. Tuy nhiên, đó
cũng có thể coi là vấn nạn liên quan đến phá rừng, bởi canh tác nương rẫy sẽ là
thiếu bền vững khi áp lực gia tăng dân số, nhu cầu lương thực ngày càng tăng,
thời gian bỏ hóa ngắn, thậm chí không có thời gian bỏ hóa. Người dân canh tác
liên tục, đến khi năng suất giảm mạnh, thậm chí không cho thu nữa. Rồi bỏ hóa
(bỏ hoang). Tiếp tục đi khai phá nương mới. Chặt - đốt. Dùng từ mạnh hơn “đao
canh hỏa chủng”. Bây giờ ngược miền Tây Bắc, chúng ta sẽ choáng ngợp bởi những
núi, đồi trơ trọc bởi cây ngô, cây sắn thống lĩnh dần cây rừng, những thảm xanh
một thời. Thật đau xót.
Cây ngô đang dần thống lĩnh cây rừng, đất rừng nơi đây
Cách đây dăm năm, tôi có dịp lên Sơn
La, khi nhìn thấy cảnh tượng đó mà không khỏi xót xa và có đôi câu để nói lên cảm
xúc đó qua bài: LVN 10 - con dao 2 lưỡi.
Lai 10 thuận lắm bạn ơi
Hạt to lõi nhỏ hạt đóng múp đầu
Năng (năng suất) cao chịu hạn tuyệt vời
Nhà nhà đầy bắp người người trồng ngô
Sơn La núi thẳm rừng xanh
Vì ngô leo núi mà rừng tan hoang
Sơn La nhiều đất trống trơn
Mưa mùa lũ quét cuốn trôi dân làng
Công trình Thủy điện Sơn La và những mảng đồi núi trơ trọc
Đó là một vài cảm nhận khi có dịp trải
mình trên cung đường từ TT Ít Ong lên xã Ngọc Chiến (Mường La, Sơn La). Sẽ là rất
khó cảm nhận nếu không chính mình trải nghiệm qua. Hơn nữa, mỗi người có những
cung bậc cảm xúc không giống nhau, mặc dù cùng trải nghiệm trên một con đường,
vào một thời điểm. Nếu có dịp, hãy tự mình trải nghiệm qua các bản làng, những
cung đường hiểm trở của núi rừng vùng Tây Bắc. Được thả hồn cùng mây gió, để hiểu
hơn và yêu thiên nhiên, núi rừng, con người miền sơn cước. Bởi vẻ đẹp quyến rũ
như muốn mê hoặc lòng người của những bức tranh kỳ vĩ, lãng mạn của đất, trời,
núi rừng nơi đây.
0 comments:
Post a Comment