May 07, 2021

“Phận” mang danh một “nghiên cứu viên” với công việc chính liên quan đến việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học & công nghệ các cấp (cấp quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh, cấp cơ sở, … hay các chương trình khác), TỪ việc viết đề xuất nhiệm vụ, xây dựng thuyết minh, dự toán; bảo vệ đầu vào (thuyết minh, tài chính) trước các hội đồng khoa học; … ĐẾN khi may mắn ĐƯỢC thì bắt đầu vào triển khai các nội dung công việc của nhiệm vụ, viết các báo cáo thành phần, viết và đăng bài báo (trong nước), VÀ KẾT THÚC là viết báo cáo tổng kết, bảo vệ đầu ra (nghiệm thu chuyên đề, nghiệm thu cấp cơ sở, cấp bộ hay cấp quốc gia); tiếp đến, chỉnh sửa, hoàn thiện, giải trình, và nộp lên Cục Thông tin quốc gia (đến đây coi như đã xong). Nói vậy thì có thể thấy để hoàn thiện một nhiệm vụ KH&CN thì tương đối đơn giản và nhanh, gọn, nhẹ. Tuy nhiên, để bắt tay vào thực hiện là vô vàn những gian nan mà không phải ai cũng lường trước đây. Có làm có sai. Về vấn đề này mình sẽ dần chia sẻ ở những cái note khác. Trong phạm vi bài này, mình sẽ đề cập đến 3 vấn đề chính mà mỗi người “nghiên cứu viên” nên biết để làm hành tranh cho mình trong công cuộc thực hiện các nhiệm vụ KH&CN các cấp (ở thời điểm này).

(lấy bông hoa Phi điệp Easo làm minh chứng – mọi thứ đều phải có quá trình, việc nóng vội hay đốt cháy giai đoạn không bao giờ đơm một bông hoa đẹp theo đúng nghĩa của nó. Bông này đã qua thời điểm đẹp nhất)


Thứ nhất, bắt đầu từ việc nhỏ nhất

 

Viết đề xuất nhiệm vụ phải cần bám sát vào các mục tiêu của các nhiệm vụ hay các chương trình hoặc tính thời sự/cấp thiết của những vấn đề trong xã hội có liên quan đến vấn đề/lĩnh vực mình muốn tham gia. Tiếp đến, lên mạng tìm kiếm các thông tin có liên quan, tìm đọc các báo cáo (xem họ đã làm được, chưa làm được gì – nếu có); bắt tay vào viết, viết, và viết (viết – sửa – viết – sửa… nhiều lần); xin ý kiến từ các chuyên gia, nhà khoa học, và những lãnh đạo. Bởi mỗi người có góc nhìn riêng nên một đề xuất hay thuyết minh sẽ được đánh giá cao (về mặt chất lượng) khi được sự góp ý từ nhiều người, nhiều góc độ khác nhau. Qua mỗi góp ý, mình chỉnh sửa và lấy đó làm bài học cho những cái sau, từ những cái nhỏ nhất (lỗi chính tả, hay cả từ “văn nói” ) đến cách hành văn cho đúng với văn phong khoa học, …).

 

“Viết” chứ không phải “copy - paste” (chuyện copy-paste và dẫn nguồn mình không đề cập ở đây). Mình nhận thấy, nhiều người (không phải tất cả) bây giờ rất lười đánh máy (viết). Lên mạng tìm kiếm thông tin hay có báo cáo (bản word) là chỉ muốn copy-paste cho nhanh. Rất ít khi chịu khó đánh máy lại. Nên chuyện thiếu sự logic trong đặt vấn đề, hay các nội dung/công việc thực hiện thiếu sự ăn nhập với nhau. Khi copy-paste, mình sẽ ít suy nghĩ đến việc dùng từ hay câu chữ sao cho hợp lý. Có trường hợp (hơn 3 trường hợp) đã có bản cứng (bản in, thậm chí là bản pdf) nhưng lại muốn xin bản word để đỡ phải đánh lại hay từ bản pdf tìm cách chuyển đổi về bản word để đỡ phải gõ lại. KHÔNG muốn bỏ thời gian để đánh lại, suy nghĩ trong cách dùng từ; không muốn viết nhiều; MÀ lại muốn có khả năng viết tốt, viết giỏi. CHUYỆN KHÔNG TƯỞNG.

 

Quan điểm của mình trước nay, mặc dù kế thừa trong nghiên cứu là cần thiết, nhưng cả khi có bản word mình cũng không bao giờ copy-paste. Đánh lại, viết lại. Lấy thông tin đó, dùng từ hay câu theo cách của mình. Mình nghĩ dần dà sẽ cải thiện dần khả năng viết lách của mình. Đó vẫn luôn là tôn chỉ của mình khi liên quan đến viết, dù viết bất cứ cái gì. Vì vậy, mình nghĩ nếu bạn nào muốn theo đuổi sự nghiệp của một người nghiên cứu viên, đặc biệt là theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học NÊN bắt đầu từ những việc nhỏ nhất – tập viết, học viết, và viết (chứ không phải copy-paste).

 

Thứ hai, trung thực

 

Hành trang của một người nghiên cứu viên rất cần tính “trung thực”. Ở một cái note khác, mình có cũng chia sẻ liên quan đến tính trung thực trong nghiên cứu khoa học – liên quan đến chuẩn bị hồ sơ (CV – sơ yếu lý lịch của các thành viên tham gia nhiệm vụ) để đi đấu thầu. Ở góc độ cá nhân, mình không có ý chỉ trích một ai đó, mà chỉ muốn chia sẻ để các bạn trẻ mới ra trường nếu muốn theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học nên học và giữ được tính trung thực trong mọi vấn đề.

 

Có trường hợp, một bạn sinh viên mới ra trường được giao viết một cái báo cáo chuyên đề, khi thời gian gấp gáp, cần phải có báo cáo để làm thủ tục thanh quyết toán (giải ngân), khi đi điều tra thực địa chưa có đây đủ thông tin, thậm chí chưa đi điều tra nhưng vẫn phải có số liệu cho báo cáo. Sau một vài đêm là có báo cáo với các bảng số liệu tương đối đầy đủ (ngon lành cành đào), hay bảo phải thêm cái này (số liệu không có) hôm sau là có ngay. Lãnh đạo nào ai chẳng thích (chắc nghĩ trong bụng, bạn này được, khi mình cần gì [số liệu, báo cáo] là có ngay). Biết rằng, vấn đề giải ngân (ban đầu chỉ cần số lượng và đầy đủ, chưa cần đến chất lượng) và thực trạng viết báo cáo trong một vài đêm (thậm chí là 30 phút hay 1 tiếng/1 báo cáo) đâu đó vẫn hiện hữu trong môi trường của một người nghiên cứu viên.

 

Một lần (đành liều), hai lần, và nhiều lần sẽ trở thành một kỹ xảo (thói quen). Vì vậy, mình nên khuyên các bạn trẻ mới ra trường nên hành trang cho mình tính trung thực không chỉ trong môi trường nghiên cứu mà cũng rất cần trong mọi vấn đề của cuộc sống và “HÃY LÀM ĐÚNG NGAY TỪ ĐẦU”.

 

Thứ ba, nhận dạng nhầm lẫn của chính mình

 

Ở cái note Nhận dạng nhầm lẫn của chính mình mình cũng có chia sẻ về mỗi chúng ta (nghiên cứu viên) cần phải tự ý thức trong việc tự tìm hiểu (thông qua đọc tài liệu, các báo cáo, bài báo, các vấn đề có liên quan,…), và thậm chí tự tập làm phản biện (đề xuất, thuyết minh, báo cáo, bài báo…) để học hỏi được nhiều điều từ những công trình, kết quả của những người đi trước hay ở các đơn vị khác có liên quan đến vấn đề, lĩnh vực mình quan tâm. Kinh nghiệm của người bình duyệt. “Làm người bình duyệt là một hình thức tự mình trau dồi kỹ năng nghiên cứu: nhận dạng nhầm lẫn của người khác cũng có nghĩa là nâng cao kĩ năng nhận dạng nhầm lẫn của chính mình” [1]. Theo đó, mình luôn tự ý thức trong việc tập đọc, tập góp ý, tập làm phản biện từ các đề xuất nhiệm vụ, thuyết minh nhiệm vụ, các báo cáo sản phẩm (chuyên đề, bài báo, báo cáo mô hình, …), báo cáo tổng kết nhiệm vụ hay thậm chí là các luận án (thạc sĩ, tiến sĩ). Qua đó, biết và học hỏi thêm được nhiều điều (những kiến thức mới, những cái sai sót), đúc rút kinh nghiệm, và nhằm hạn chế dần những thiếu sót hay những nhầm lẫn của mình trong PHẬN một người “nghiên cứu viên”.

 

Trong phạm vi cái note này, mình chia sẻ một vài thông tin để các bạn muốn theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học theo đúng nghĩa nên (i) bắt đầu từ những việc nhỏ nhất (tập viết, viết, và viết), (ii) trung thực trong mọi vấn đề từ công việc nghiên cứu đến mọi vấn đề của cuộc sống, và (iii) nâng cao khả năng nhận dạng nhầm lẫn của chính mình thông qua những sai sót của người khác. Đây cũng là những bài học cười ra nước mắt, thậm chí là xương máu (mất chữ tín, mất tài chính) của cá nhân mình. Hy vọng sẽ là thông tin hữu ích cho một ai đó nếu muốn quan tâm.

Hẹn gặp lại ở cái note tiếp theo trong chuỗi Bước đầu nghiên cứu khoa học. Trân trọng!

 

 

======================== 

[1] Nguyễn Văn Tuấn (2013). Từ nghiên cứu đến công bố - Kỹ năng mềm cho nhà khoa học. Nxb Tổng hợp TP HCM, tr 31

May 03, 2021

Hôm nay là ngày cuối cùng của kỳ nghỉ 30/4 - 1/5 (dài 4 ngày), do ảnh hưởng của dại dịch Covid-19 (trên địa bàn xã Đạo Lý, Lý Nhân, Hà Nam - đến hôm nay 5/3/2021 đã có 14 ca dương tính với SARS-CoV-2) nên cả mấy ngày nghỉ lễ chẳng đi đâu chơi, suốt ngày chỉ quanh quẩn ở nhà (Tiên Hải, Phủ Lý), hết ôm máy tính, cầm điện thoại, chăm và ngắm mấy chậu lan, ngắm bông phi điệp (hàng cỏ) mới bung, … và thấy chưa làm được gì. Và, chưa biết bắt đầu từ đâu, thôi thì đặt mục tiêu viết một cái tin bài coi như là động lực để làm những việc nhỏ tiếp theo. Ở nhà, tránh tụ tập đông người và thực hiện yêu cầu “5K” của Bộ Y tế cũng là một trong những hành động nhỏ, gián tiếp trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Hà Nam cũng như chung tay lẩy lùi đại dịch trên cả nước.

            Bắt… đầu… từ…

Khi mới bắt đầu, mọi thứ đều có những cái khó riêng. Thực sự, lâu không lạch cạch bàn phím bằng các tin bài nên việc “bắt đầu từ những việc nhỏ nhoi nhất” cũng đôi chút gặp khó khăn, chưa tìm được nguồn cảm hứng để viết, viết về cảm nhận của cá nhân; mặc dù viết về những cái mình biết (không phải là những cái người khác muốn biết), tuy nhiên, với mục đích là của cá nhân - “trải nghiệm cuộc sống – thông điệp cuộc đời nên cứ viết những gì mình được trải nghiệm trong cuộc sống thường nhật, lấy đó làm động lực cho việc “tự học viết”. Cứ kiên trì, cố gắng, và thời gian (thông qua những lần viết, chỉnh sửa, nghe feedback từ người đọc, …) dần dà sẽ dạy dỗ ta về mọi mặt, cả việc học viết, bởi “mẹ thiên nhiên không bao giờ vội vã”. Và, “CỨ ĐI RỒI SẼ TỚI”. Bởi “Những người thành công ít khi ngồi yên và để mọi việc xảy đến với mình. Họ bước ra và tạo nên những việc đó” - Leonard Da Vinci (dẫn theo 1).

Cuộc sống với bao nhiêu bộn bề lo toan, đặc biệt là chuyện “Bread and Butter – Cơm áo gạo tiền”. Áp lực “cơm áo gạo tiền” luôn đè nặng lên vai những người lao động, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã tác động và làm thay đổi chóng mặt các nền kinh tế, xã hội, và chính trị tại trên 220 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế thới theo cách không ai mong muốn. Quay lại vấn đề, đã lâu lắm rồi (từ bài đăng lần cuối trên trang blog vào tháng 3/2019 – bài Bạn đã cảm thấy mình làm việc hiệu quả chưa?) mình đã không viết và đăng bài chia sẻ một vài thông tin của cá nhân về những trải nghiệm và cảm nhận trong công việc, cuộc sống hàng ngày. Để lấy lại tinh thần đó, có người anh (đồng nghiệp) đã gợi lại đúng thời điểm (gãi đúng chỗ ngứa) và sau một vài suy nghĩ của cá nhân, mình sẽ cố gắng để “sốc lại tinh thần” viết một vài cái note về những trải nghiệm cuộc sống thường nhật, cho những việc nhỏ nhất cũng là đam mê sau một thời gian dài “im hơi lặng tiếng” (cũng có thể tạm gọi “chết yểu” cho cái blog cá nhân).

Hy vọng đây là một vài thông tin mà mình muốn lấy động lực để “sốc lại tinh thần” cho việc nhỏ nhoi nhất – tự học viết; mà bấy lâu nay mình bị sao nhãng. Sao nhãng đến mức không biết còn sự tồn tại của một blog cá nhân chia sẻ về những trải nghiệm trong công việc, cuộc sống và lấy đó để nói lên những thông điệp cuộc sống của cá nhân. Qua đây cũng xin gửi cảm ơn đến Anh Nguyễn Ngọc Quý (một đồng nghiệp) qua lúc trao đổi (chém gió) ở quán bia vẻ hè trên đường Hoàng Hoa Thám, gần cổng nhà máy HABECO Hà Nội đã có những trao đổi, đề cập đến việc viết tin bài về học thuật, về trải nghiệm, … trên trang blog hay trang website. Qua buổi chém gió đó đã gợi lại sự tò mò cũng như sự thích (sẽ tiến tới là đam mê) trong việc lạch cạch bàn phím với mục đích ban đầu là lưu lại những trải nghiệm trong cuộc sống của cá nhân. Một lần nữa cảm ơn Anh về những chia sẻ rất trân quý đó. Trân trọng!


=============

(1) Alan Phan. Góc nhìn Alan dành tặng doanh nhân việt trong thế trận toàn cầu. Nxb Thế giới, 2016, tr 23.

March 29, 2019


Chắc hẳn nhiều người trong chúng ta đều đã, đang, và sẽ trải qua những thời điểm mà bản thân cảm thấy “bực bội”, không hài lòng, chán nản… khi không hoàn thành tốt công việc được giao mặc dù đã làm việc chăm chỉ, cố gắng hết sức. Ngày càng tất bật với núi công việc nên không còn nhiều thời gian dành cho gia đình, bạn bè, hay các thứ đam mê khác. Phải chăng chúng ta đang bị “quá tải”? Hay mỗi chúng ta vẫn luôn cho rằng “thà tôi tự làm còn dễ hơn”? Hay ai đó vẫn luôn nhìn nhận bạn, người xung quanh làm việc chưa tốt? Và trên cương vị của người lãnh đạo nghĩ bạn phải thế này, phải thế kia nhưng cuối cùng công việc vẫn không tiến triển theo chiều hướng tích cực, mặc dù luôn được lãnh đạo quan tâm, sát sao trong công việc? Phải chăng lãnh đạo của bạn chưa ủy thác công việc cho các bộ phận chuyên môn… Đó là một trong nhiều câu hỏi, những nghĩ suy thường trực mà chắc hẳn nhiều người đã từng kinh qua. Vậy có cách nào để lãnh đạo của bạn (người ủy thác) và bạn (người được ủy thác) áp dụng nhằm giải quyết hiệu quả công việc, có thêm thời gian để tập trung vào những điều thật sự quan trọng trong công việc, và trong cuộc sống?. “Để thành công trong công việc, bạn có thể chọn cách làm việc chăm chỉ, nhưng bạn cũng có thể chọn một cách làm việc khác thông minh hơn. Đó là thực hiện sáu bước ủy quyền đơn giản nhưng rất hiệu quả của Donna Genett” - Gary Milgard (dẫn theo trang đầu cuốn sách (1)).


Vậy sáu bước ủy quyền công việc của Donna Genett là gì và việc áp dụng nó ra sao đó là những cảm nhận, cũng như biết vận dụng sao cho hợp lý vào từng hoàn cảnh cụ thể của mỗi người nhằm đem lại hiệu quả nhất trong công việc, và trong cuộc sống. Dưới đây xin lược trích lại 6 bước ủy quyền từ cuốn sách: “Người giỏi không phải là người làm tất cả” của Donna M.Genett (1).

Bước 1: Chuẩn bị kỹ trước khi giao việc
Bước 2: Xác định cụ thể yêu cầu công việc. Yêu cầu người được ủy quyền lặp lại những yêu cầu của công việc để đảm bảo rằng mỗi người được ủy quyền đã thật sự hiểu rõ công việc, cũng như kết quả dự kiến đạt được.
Bước 3: Xác định rõ thời hạn hoàn thành công việc
Bước 4: Xác định rõ mức độ và phạm vi thẩm quyền mà người được ủy quyền có thể sử dụng để hoàn thành công việc, trong đó, mức 1: quyền đề nghị, mức 2: quyền thông báo và khởi xướng, và mức 3: quyền hành động.
Bước 5: Xác định các mốc thời gian để kiểm tra, đối chiếu nhằm đánh giá tiến độ, và thực hiện hướng dẫn nếu cần thiết.
Bước 6: Tổng kết công việc để trao đổi về những thành quả, thiếu sót cần cải thiện, và rút ra bài học nếu có.

Trên đây là 6 bước ủy thác công việc nhằm giúp người ủy quyền và người được ủy quyền nên biết để vận dụng vào từng nhiệm vụ, trường hợp cụ thể để phát huy tối đa năng lực của mỗi người, cũng như nhằm đạt hiệu quả tốt nhất. Qua đó, giúp người ủy quyền thực hiện tốt công việc quản lý, người được ủy quyền cảm thấy tự tin hơn trong công việc, và góp phần nâng cao năng lực của đơn vị, cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi cá nhân.


(1) Donna M. Genett (Nguyễn Chương dịch) (2019). Người giỏi không phải là người làm tất cả. Nxb Tổng hợp TP HCM, 113 trang.

March 28, 2019


Trong cái note này mình xin mạn phép tác giả cuốn sách (GS Nguyễn Văn Tuấn - UNSW Sydney) và Nxb Tổng hợp TP HCM xin được giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách hay về nghiên cứu khoa học chung, với tựa đề: “Cẩm nang Nghiên cứu khoa học - Từ ý tưởng đến công bố” (1). Như các cuốn sách khác, mỗi khi có cuốn mới của tác giả xuất bản tại Việt Nam là mình sớm sắm (tậu) cho được, ngoài việc đọc, biết, và dần hiểu những thông tin được truyền tải qua mỗi bài viết, mỗi trang sách; quan trọng hơn cả là từ những thông tin rất hữu ích đó mình (ở góc độ cá nhân) bước đầu tìm hiểu, bắt chước, và thực hành theo.

“Qua 21 chương sách, tôi (tác giả) sẽ giải đáp những câu hỏi như: bắt đầu nghiên cứu khoa học từ đâu, ý tưởng nghiên cứu xuất phát từ nguồn nào, phương pháp nghiên cứu ra sao, và công bố kết quả nghiên cứu ở đâu; và quan trọng hơn cả là những ví dụ thực tế giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về qui trình nghiên cứu khoa học” - Trích trang lời nói đầu cuốn sách (1).

Về những vấn đề liên quan đến Nghiên cứu khoa học - Từ ý tưởng đến công bố, cuốn cẩm nang giới thiệu lần lượt các vấn đề của Nghiên cứu khoa học, từ câu hỏi tại sao phải nghiên cứu khoa học, thế nào là nghiên cứu khoa học, ý tưởng nghiên cứu khoa học từ đâu, cách tiếp cận như thế nào, cái mới trong khoa học… đến chọn mô hình nghiên cứu, thiết kế nghiên cứu; cỡ mẫu, tính đại diện trong nghiên cứu, thiết kế bộ câu hỏi thu thập dữ liệu; phân tích dữ liệu, diễn giải kết quả nghiên cứu; nguyên tắc trong việc soạn một bài báo khoa học…. và vấn đề thời sự trong thời gian gần đây là “huyền thoại con số 30 - cỡ mẫu, và trị số P trong nghiên cứu khoa học - khi mới đây Nature kêu gọi hạn chế sử dụng trị số P (dẫn theo facebook của GS Nguyễn Văn Tuấn). Những thông tin rất hữu ích đó mạn phép không dám nhàm bàn nhiều, mà chỉ dám dẫn lời để giới thiệu tới ai đó quan tâm đến những vấn đề có liên quan đến cuốn sách.

Một lần nữa người viết xin mạn phép được giới thiệu cuốn sách hay, hữu ích đến ai quan tâm đến vấn đề nghiên cứu khoa học nói chung để tự tìm hiểu, bắt chước, tập tành, và thực hành, vận dụng vào trong thực tiễn, công việc, đặc biệt là trong công cuộc nghiên cứu khoa học vốn còn nhiều nhiêu khê như hiện nay (nhận xét cảm tính của cá nhân người viết). Qua đó, dần thay đổi cách nhìn nhận, tiếp cận, và thực hành sao cho hướng tới những chuẩn mực chung của Nghiên cứu khoa học theo đúng nghĩa của nó. Qua đây, bản thân không dám “khoe”, hay “lên lớp” ai về vấn đề gì cả, dù là nhỏ nhất; bản thân chỉ thấy cuốn sách hay, ý nghĩa nên viết một vài dòng cảm nhận và lưu lại làm kỷ niệm.
Xin trân trọng!


(1) Nguyễn Văn Tuấn (2018). Cẩm nang Nghiên cứu khoa học - Từ ý tưởng đến công bố. Nxb Tổng hợp TP HCM, 398 trang.

December 31, 2018


Hôm nay là ngày cuối cùng của năm 2018, điện mất, ngoài trời gió rét căm căm, thực tình chẳng muốn làm gì. Trùm chăn ngồi góc giường, nghĩ ngợi linh tinh, và lôi máy tính ra (may còn ít điện) nghĩ lại và viết vài dòng về một vài dữ kiện (vấn đề) mà bản thân cảm thấy vừa buồn vừa vui, buồn nhiều hơn vui trong cuộc sống, và công việc trong năm qua.

Khi vui thì vỗ tay vào…
           
Một trong những điều đáng buồn là “cơm ai người ấy ăn, việc ai người ấy làm” diễn ra ở nhiều nơi, nhiều góc độ công việc, và cuộc sống khác nhau. Góc độ công việc, ai làm gì làm thế nào thì mặc ai, mạnh ai người đó làm. Khi có chuyện thì khỏi phải bàn. Tội vạ đâu ai làm người ấy chịu, còn lại vô can. Ở góc độ của nhiều người là “tóm người có tóc chẳng ai tóm người trọc đầu”. Thực tế là vậy. Cuộc sống là vậy. Đứng mũi chịu sào là lẽ đương nhiên. Ai cũng hiểu điều đó. Tôi cũng hiểu điều đó. Vậy sẽ rất khó để có cái gọi là phát huy tinh thần sáng tạo và đoàn kết, cũng như thế mạnh của mỗi người. Bởi, có làm có sai, chuyện thắng thua là chuyện thường thình. Ấy vậy chẳng ai chịu hiểu cho. Và cũng chỉ là “khi vui thì vỗ tay vào đến khi hoạn nạn thì nào thấy ai”. Trong khi đó, ai đó cũng chỉ là “sai đâu sửa đấy, sửa đấy sai đâu, sửa đâu sai đấy”. BUỒN.

Con đường nào cho em…
           
            Cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc ngày càng leo thang và chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Đó là chuyện của những ông lớn, nhưng những ông bé cũng như mỗi cá nhân không thể không quan tâm, bởi trong cuộc chiến đó cũng như nhiều cuộc chiến khác ở nhiều góc độ trong cuộc sống khác nhau mà mỗi chúng ta ít nhiều đều bị ảnh hưởng (cả tích cực lẫn tiêu cực). Chúng ta đã tròn 20 tuổi, sống qua 2 thế kỷ và đang ở đầu thế kỷ “kỷ nguyên số”, “cuộc cách mạng 4.0”. Ấy vậy, cũng chừng ấy năm tồn tại và phát triển chúng ta vẫn chưa biết đi đâu, về đâu, huống chi là nói đến chuyện tham gia vào cái gọi là “cuộc cách mạng 4.0”. Chưa biết đi đâu thì sao biết cách (động cơ) để hướng và đi đến đó nhanh, hiệu quả, và bền vững.
Trong bối cảnh loay hoay đó, ai cũng biết (nhiều người biết) nhưng sao vẫn chưa tìm đường tiếng nói chung. Mấu chốt vấn đề không phải không biết, tuy nhiên, nhiều người lại cố tình không biết, thậm chí biết nhưng giả vờ không biết. Ta biết nút thắt ở đâu phải tìm cách gỡ nút thắt ở đó. Nên chăng chúng ta cần đơn giản hóa vấn đề như vậy là đủ. Không phải màu mè, đao to búa lớn làm gì cho mệt. Biết là một chuyện còn làm lại là chuyện khác. Nhiều người biết, thậm chí là giỏi về vấn đề đó, nhưng mấu chốt lại chưa muốn (không muốn) mọi thứ nó diễn ra theo chiều hướng như vậy. Chúng ta sợ nhất là “nói một đằng làm một nẻo”. Như vậy thì sao có thể tồn tại được, huống chi là muốn phát triển nhanh và bền vững trong thế giới “kỷ nguyên số”, trong thời đại của “cuộc cách mạng 4.0”. BUỒN.

Không có gì từ trên trời rơi xuống…

Chuyện tập đi, bị ngã, đi, ngã… và để đi được là cái cần và chưa chắc đã đủ để cho các em bé mới chập chững tập đi. Tuy nhiên, mỗi chúng ta cũng nên xác định và lường trước ít nhiều về các vấn đề đó. Anh giỏi về cái này, anh tốt về cái kia. Còn tôi kém cái này, xấu cái kia. Đó là tất cả để tạo nên một xã hội với đa dạng và phong phú các tầng lớp, con người như vậy. Và mọi thứ không tự nhiên mà nó đến. Tất cả đều có nguyên do của nó. Cuộc sống của mỗi chúng ta tạo nên đều từ những cố gắng phấn đấu, nỗ lực không ngừng nghỉ ở nhiều khía cạnh, và cũng phải thừa nhận một điều rằng “không có gì từ trên trời rơi xuống” vào đầu mỗi chúng ta. Vì vậy, hãy phấn đấu để đi được theo đúng năng lực của mình, không nên dựa vào người lớn, và không dựa vào bối cảnh “đục nước béo cò”, bởi đó chỉ là chuyện may rủi.

Chữ tín…?

Cuộc sống là tổng hòa các mối quan hệ, mỗi cá nhân đâu phải sống cho riêng mình. Trong cuộc sống, công việc, mối quan hệ bạn bè, làm ăn, đặc biệt là liên quan đến một chút kinh tế thì một bộ phận không nhỏ, với lợi ích trước mắt, cái nhìn thiển cận mà quên đi yếu tố tạo nên sự thành công bền lâu là “CHỮ TÍN”? Phải chăng ai đó chơi được với nhau trước tiên hãy đến với nhau, trân trọng, và quý mến mà không cần chữ TÍN sao? Đâu hẳn chơi với nhau, bạn cho tôi cái này cái nọ, tôi giúp bạn cái này cái kia. GIẦU VÌ BẠN, không phải giầu vì bạc vàng mà quan trọng hơn giầu về tình cảm, kiến thức, trải nghiệm cuộc sống... có thể sẻ chia nhau mọi thứ trên đời, đó mới là điều đáng quý, đáng trân trọng. Đâu phải chơi với nhau, dựa vào lòng tốt của nhau mà lợi dụng để làm lợi cho bản thân. Những trường hợp không giữ chữ tín, dù việc gì nhỏ nhất thì khó có thể chơi với nhau lâu dài. Nếu không kịp thay đổi cả trong tư duy lẫn hành động thì mỗi thời điểm ta chỉ chơi được với nhau với từng cá nhân, rồi sau đó lại đường ai nấy đi. Nhiều lần như vậy, chắc ta chỉ sống cho riêng ta mà thôi. Phải chăng trong cuộc sống, công việc, bạn bè, làm ăn… để tồn tại, phát triển bền vững với thời gian chúng ta không cần phải giữ chữ TÍN đó sao? BUỒN.

Lại một năm kinh tế buồn…
           
            Có làm thì mới có ăn, làm ít ăn ít làm nhiều ăn nhiều là lẽ đương nhiên. Và năm qua thực sự là một năm kinh tế buồn cả về nghĩa đen và nghĩa bóng. Chẳng nói ra ai cũng biết, cũng hiểu về một năm kinh tế buồn nếu đã và đang kinh qua hoàn cảnh đó. Chuyện “tư tưởng không thông, vác bình tông không nổi” là lẽ thường tình. Khi cái bụng nó đói làm sao mà tập trung làm được gì ngoài nghĩ đến kiếm cái gì nhét vào cho đỡ nói, huống chi là làm những việc mang tầm vĩ mô. Và cuộc cách mạng cả về tư tưởng lẫn hành động sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí là “không tồn tại”. Ai cũng có gia đình (nhỏ, to), cũng phải lo “cơm áo gạo tiền”, và bao nhiêu thứ khác. Dù rằng mình nghèo là lỗi ở mình. Ấy vậy… Thôi thì buồn về kinh tế trong năm qua ít nhiều ai cũng hiểu (nếu trong cùng hoàn cảnh), kể lể ra nhiều chẳng để làm gì cũng chẳng giải quyết được gì. Thôi mình cũng biết thân biết phận, bởi “cánh hoa rụng chọn gì đất sạch”.
            Hy vọng một năm mới với nhiều khởi sắc hơn (không muốn thêm: hy vọng thật nhiều, mất hy vọng cũng thật nhiều). Dẫu biết rằng cuộc sống chẳng hề đơn giản chút nào và dù rằng nhiều khi tôi, bạn thấy chán chường, phải tin vào chính mình, và bạn, tôi hãy tuyên dương cho bản thân, “Yes, I can”. Cứ đi rồi sẽ tới. Tuy nhiên, không phải bằng tất cả, mà  “...Sự giàu sang không thể là mục đích của đời sống. Cái giàu sang thực sự phải đến từ trái tim, không phải đến từ túi tiền...”.

CHÚC MỪNG NĂM MỚI
           
Dù một năm qua với một vài vấn đề buồn nhiều hơn vui nhưng hy vọng năm mới sẽ khởi sắc hơn và có khởi sắc hay không, khởi sắc như thế nào cũng đều ở mỗi cá nhân chúng ta. Khả năng của ta có hạn, cứ chầm chậm, từng bước một. CỨ ĐI RỒI SẼ TỚI. Tuy nhiên phải nên biết mình đi đâu về đâu, đích đến của mình là gì?
Nhân dịp năm mới 2019, mạn phép xin được gửi lời chào, lời chúc sức khỏe, lời chúc hạnh phúc, và thành công đến toàn thể mọi người. Chúc toàn thể ĐẠI GIA ĐÌNH một năm mới gặp nhiều may mắn, gặt hái được nhiều thành công hơn nữa và hạnh phúc viên mãn nhân dịp năm mới 2019.

ĐẦU XUÂN NĂM MỚI XIN CHÀO
HÂN HOAN CHÚC MỪNG XUÂN NÀO VUI HƠN!

December 08, 2018


Bây giờ mới là đầu tháng 11 âm lịch, vậy mà ngọn Ngọc điểm (Nghinh xuân, Tai Châu, Đai châu…) đã ra ngồng và nụ hoa đã to cỡ này (xem hình, còn hình ra hoa là chụp năm trước). Trong khi đó, từ lúc cho nụ và nở hoa dao động trên dưới 100 ngày, và độ bền khi chơi hoa cũng phụ thuộc vào chế độ chăm sóc. Tại thời điểm này có thể sớm nếu thời tiết nắng, nóng nhiều (sẽ thúc đẩy hoa nở sớm), tức là không đúng dịp tết; cũng có thể là muộn (nếu thời tiết rét sâu và kéo dài), tức là nở sớm hoặc muộn hơn. Tuy nhiên, tại thời điểm này về chiều dài của ngồng hoa như vậy thì có thể (và có phần chắc chắn) là “Nghinh đông” thay vì “Nghinh xuân”? 



Mặc dù chúng ta biết một vài thông tin (kỹ thuật) nào đó có thể tác động ít nhiều để điều tiết (sự nhanh, chậm) quá trình hình thành vòi hoa (độ to nhỏ, dài ngắn…)và quá trình bật nụ, ra hoa. Tuy nhiên, năm thời tiết thuận lợi (mưa thuận gió hòa) cây ra hoa đúng dịp tết “Nghinh xuân”, và với những tác động để điều tiết đó, chúng ta thêm phần tự hào rằng ít nhiều đã biết kỹ thuật để điều chỉnh quá trình ra hoa của cây, thậm chí là nắm vững kỹ thuật (với câu nói của thời đại “làm chủ công nghệ”).

Ngược lại, cũng với những kỹ thuật vốn hiểu biết đó và tác động vào cây, nhưng quá trình ra hoa không theo ý muốn, không đúng dịp tết “Nghinh đông” hoặc “Nghinh xuân muộn”, chúng ta quay sang đổ lỗi cho thời tiết (mưa không thuận, gió không hòa”, tức là thời tiết không ủng hộ, hoặc là nắng nóng quá và kéo dài hoặc là rét sâu và dài ngày. Nghinh đông ta khoe rằng ta thích chơi trước, trong khi nhiều người chưa có (đúng dịp tết thì ai chẳng có). Và Nghinh xuân là chuyện bình thường như “cân đường hộp sữa”, và thêm chút “tự tự hào” của chính mình.

Và nhiều trường hợp như vậy đã, đang, và sẽ diễn ra trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta sẽ đón nhận như thế nào là ở quan điểm nhìn nhận của mỗi người. “ĐỔ LỖI” hoặc “ĐỔ THỪA” cho thời tiết nếu thích dại gì mà không “ĐỔ”, bởi sao biết thời tiết sẽ như thế nào (DỰ báo mà), đặc biệt là cái mà chúng ta hay gọi là “biến đổi khí hậu” hoặc ĐỔ cho bất cứ cái gì cũng được nếu ta có quyền. Và như vậy “hòa cả làng” trong khi đó cái đang hot của thế giới là “công nghệ 4.0”?

November 14, 2018


Trong công việc, với cương vị và quan điểm của nhiều người hay đề cập đến câu “ăn nhau kết quả cuối cùng” và lấy đó làm phương châm để đánh giá hiệu quả công việc của một ai đó. Tuy nhiên, có bắt tay vào làm thực sự mới biết trong mỗi công việc nó còn có muôn vạn khó khăn. Đâu chỉ (ai đó) ngồi và nói người khác “ăn nhau kết quả cuối cùng”.
Khi tôi trồng cây bị chết và thường bị nói “mười cây chết mười”. Nói nhiều lần như vậy thành quen, thậm chí thành “thương hiệu”. Và rồi, cũng đâu đó có mô hình bị chết và bị thanh kiểm tra. Do mô hình không tốt nên bị lấy đó để mọi người nhìn vào và đánh giá một ai đó, mà chẳng ai bận tâm đến những yếu tố (chủ quan và khách quan) nào có ảnh hưởng đến cái “kết quả cuối cùng” đó. Thay vì có những nhìn nhận đánh giá khách quan nhất trên cả góc độ thực tế (duyệt) và thực tiễn (triển khai), nhiều người nhìn nhận kết quả cuối cùng và trách móc này nọ. Thôi thì “tiên trách kỷ hậu trách nhân”, trách nhiệm của mình, tội lỗi của mình. Ai thích nói gì thì nói. Âu cũng là sự thật “ăn nhau kết quả cuối cùng”.
            Đến lượt ai đó, trồng cũng chết, trồng lại rồi cũng chết. Nhưng ai biết đấy là đâu. Lấp liếm giỏi. Xong chuyện. Khi được hỏi viện đủ lý do: hộ gia đình khó khăn, bị mất trộm, thời tiết,… Nhưng mấu chốt “ăn nhau kết quả cuối cùng” thì mọi người sẽ nghĩ như thế nào? Hay chỉ giỏi nói “dóc”. Sự thật là cũng bị chết.
            Ấy vậy mà chuyện của người khác thì được phép nói này nói nọ. Đâu phải anh nói tốt tôi sẽ tốt, nói xấu tôi xấu? Ai thích thì nói tốt, ai không thích thì nói xấu? Đến lượt mình cũng như thế, “giá như” ai đó nghĩ được chuyện của người khác cũng trong bối cảnh vấn đề của mình thì sẽ không nói những lời (cay nghiệt) như vậy.
            Nếu được tôi sẽ bổ sung câu “ăn nhau kết quả cuối cùng nhưng trong bối cảnh của mỗi vấn đề”. Khi đó sẽ thẳng thắn mà nhìn nhận ai sai, ai đúng, sai đến đâu và hoàn cảnh như thế nào mà có những nhìn nhận và đánh giá. Chứ không lại luẩn quẩn câu chuyện “nói và lờ” thay vì “nói và làm” và “sai đâu sửa đấy, sai đấy sửa đâu, sửa đâu sai đấy” [1]./.

[1] Trần Đĩnh (2014). Đèn cù (quyển một). Người Việt Books.

November 08, 2018

Sau một thời gian chậm, nợ “bát gạo ăn đong" của nhiều người, với nhiều nguyên do khác nhau cả khách quan và không khách quan. Hôm nay, vừa mới đầu tháng (8/11) thật bất ngờ cho bao nhiêu người vẫn trông chờ vào bát gạo ăn đong ấy, rằng đã cấp đủ gạo để ăn dè xẻn cho cả tháng. Chắc chắn đây là niềm vui của bao người, tuy nhiên, âu cũng lại là cái lo. Vừa đầu tháng đã cấp đủ gạo cho cả tháng, biết đâu dùng không hiệu quả, hôm nay có bạn đến chơi, mai mời bạn qua nhà, hôm khác tụ tập đâu đó… phải dùng lượng gạo vượt quá so với quy định. Rồi biết đâu, vào một tháng đẹp trời (tháng tiếp theo) lại chuyển qua trạng thái “chậm, nợ” thì biết mần rằng? Nếu chưa có chắc cũng có vài lý do để từ chối. Chậm, nợ cũng kêu. Cấp sớm cũng không xong. Thật mệt.
Tuy nhiên, đó chẳng phải là mấu chốt vấn đề. Tại sao phải “chậm, nợ”, rồi thì thay đổi cách cấp, phát. Trước định kỳ tháng 2 lần. Bây giờ 1 lần thường vào cuối tháng. Tháng này lại đầu tháng. Chẳng hiểu ra làm sao cả. Phải chăng đây là cái bài tâm lý chung theo hình sin (lên, xuống; trầm, bổng…) để xem những ai đó có những phản ứng, và hành động như thế nào? Cái bụng chưa đủ no (còn đói) sao có thể ngồi yên mà làm việc được, huống chi là làm việc hiệu quả. Phải chăng ai cũng hiểu điều đó nhưng lại không chịu hành động đúng với bản chất của nó?
Đâu chỉ cần kêu gọi, thậm chí yêu cầu làm tốt, làm chất lượng được đặt lên hàng đầu và phản đối cách làm ăn không hiệu quả (hời hợt) là đủ… mà cần phải xem xét gốc rễ vấn đề - thiết chế nào đảm bảo “cơm no áo mặc” cho mọi người? đâu là điều kiện cần và đủ cả về kinh tế, xã hội, chính trị và tâm lý để thúc đẩy thiết chế đó? Và có nên và sẽ “xem xét lợi ích cá nhân tương đương với lợi ích tập thể”? [1]

[1] Tom G. Palmer (Đinh Tuấn Minh và cộng sự dịch, 2016). Hòa bình, tình yêu và tự do. Nxb Tri thức, tr 13.

November 06, 2018


            Chúng ta đã tròn 20 tuổi, sống qua 2 thế kỷ và đang ở đầu thế kỷ “kỷ nguyên số”, “cuộc cách mạng 4.0” mà hiện nay các nước trên thế giới đã và đang bước vào. Ấy vậy, cũng chừng ấy năm tồn tại và phát triển chúng ta vẫn chưa biết đi đâu, về đâu, huống chi là nói đến chuyện tham gia vào cái gọi là “cuộc cách mạng 4.0”. Chưa biết đi đâu thì sao biết cách (động cơ) để hướng đến đó nhanh, hiệu quả, và bền vững.
            Trong bối cảnh loay hoay đó, ai cũng biết (nhiều người) nhưng sao vẫn chưa tìm đường tiếng nói chung. Mấu chốt vấn đề không phải không biết, tuy nhiên, nhiều người lại cố tình không biết, thậm chí biết nhưng giả vờ không biết. Ta biết nút thắt ở đâu phải tìm cách gỡ nút thắt ở đó. Nên chăng chúng ta cần đơn giản hóa vấn đề như vậy là đủ. Không phải màu mè, đao to búa lớn làm gì cho mệt.
            Ai cũng có cách hay để giải quyết vấn đề nhưng đó không phải mấu chốt cuối cùng của vấn đề. Bởi chúng ta còn quá “đa nghi tào tháo”. Khi đã không tin sao có thể dùng người hiệu quả được. Muốn ai đó phấn đấu tốt theo hướng chuyên môn hóa cần phải có cơ chế “thưởng phạt” rõ ràng. Không thể dùng chỉ tiêu bình quân lâm phần khi điều tra các chỉ tiêu sinh trưởng của một lâm phần nào đó (rừng tự nhiên) để đánh giá chung, trong khi đó cái ta cần là có những biện pháp kỹ thuật lâm sinh tác động vào những loài cây, nhóm loài cây bản địa, đa mục đích. Thiết nghĩ, cách dùng người ở khía cạnh nào đó nên chăng cũng như vậy?
            Biết là một chuyện còn làm lại là chuyện khác. Nhiều người biết, thậm chí là giỏi về vấn đề đó, nhưng mấu chốt lại chưa muốn (không muốn) mọi thứ nó diễn ra theo chiều hướng như vậy. Chúng ta sợ nhất là “nói một đằng làm một nẻo”. Như vậy thì sao có thể tồn tại được, huống chi là muốn phát triển nhanh và bền vững trong thế giới “kỷ nguyên số”, trong thời đại của “cuộc cách mạng 4.0”.

November 05, 2018


Tình hình chiến tranh thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc ngày càng leo thang và chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Đó là chuyện của những ông lớn, nhưng những những bé không thể không quan tâm, bởi trong cuộc chiến đó ở khía cạnh nào đó chúng ta được lợi nhiều từ cuộc chiến đó. Tuy nhiên, ở góc độ nào đó, dù ông lớn nào đi chăng nữa với “tuy duy nhiệm kỳ” không thể không ảnh hưởng đến nội bộ của bộ máy. Câu chuyện lèo lái còn thuyền không còn đi theo con đường chung đã định, mà có thể theo các ngã rẽ khác nhau mà phần lớn những thành viên trên con thuyền đó khó mà biết được. Bởi đó là chuyện của mọi người. Còn những ai đó đang muốn chuộc lợi bởi con thuyền đó “chuyến tàu cuối” thì cũng nên xác định và lường trước mọi chuyện, kẻo đến lúc đó mới “ngã ngửa” ra, không đủ tinh thần thép sợ “bất mãn” chẳng được cái gì thì “hỏng” chuyện lớn mà trước nay đã được “hứa”.
            Thôi thì theo canh bạc “được ăn thua chịu” là chuyện bình thường. Chỉ sợ không dám ngã để đứng lên đi tiếp và tránh những lần ngã khác. Chuyện tập đi, bị ngã, đi, ngã… và để đi được là cái cần và chưa chắc đã đủ để cho các em bé mới chập chững tập đi. Tuy nhiên, mỗi chúng ta cũng nên xác định và lường trước ít nhiều về các vấn đề đó. Hãy phấn đấu để đi được theo đúng năng lực của mình, không nên dựa vào người lớn, và không dựa vào bối cảnh “đục nước béo cò”, bởi đó chỉ là chuyện may rủi.
            Câu chuyện dường như chẳng có mục đích rõ ràng, tuy nhiên, khả năng của người viết này chưa đủ trình để viết, kể sao cho rõ ràng, thậm chí còn có tình để nói đây nói đó để cho người khác không biết người viết định nói gì. Đó là sai lầm của người viết, tuy nhiên, trong bối cảnh lúc này không thể nói ra tường tận mọi chi tiết, bởi đây cũng là khía cạnh mà người viết đang suy nghĩ cho bố cục sắp tới của cuộc chiến “chuyến tàu cuối” đang diễn ra và những thành viên trên con thuyền đó nhiều ít đều lo cho số phận của mình. Theo ngã rã khác hoặc theo để chuộc lợi bởi có những lời hứa hão huyền đâu đó. Thôi thi mỗi chúng ta hãy tự biết và lựa chọn “con đường cho riêng mình”.

November 02, 2018


Chúng ta thường có thói quen đánh giá một ai đó thông qua vẻ bề ngoài khi mới gặp lần đầu hoặc vô tình chạm mặt khi đi qua trên đường, trong các cửa hàng… và đã được đúc kết qua câu ca “nhìn mặt mà bắt hình dong” ít nhiều đều có cơ sở của nó. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết không đi sâu vào đưa ra những minh chứng cho câu nói đó, mà chỉ là kể một câu chuyện vui liên quan đến cái gọi là “nhìn mặt mà bắt hình dong” mà tôi được nghe kể lại (chuyện hoàn toàn có thật).
           
            Chẳng là có một anh đang chuẩn bị làm nghiên cứu sinh được giới thiệu về thầy hướng dẫn khoa học và cũng chưa được gặp bao giờ, có chăng chỉ là nghe qua các công trình, bài báo nghiên cứu hay qua lời kể của người này người kia. Anh này ở phía trong (Tây Nguyên) còn thầy được giới thiệu làm hướng dẫn khoa học hiện đang sinh sống và công tác ở phía Bắc (Hà Nội). Sau khi được giới thiệu, xin địa chỉ, và được sự đồng ý, đến gặp thầy ở nhà riêng. Khi đến nhà, bấm chuông cửa, người nhà ra mở cửa và được mời lên gặp thầy. Bước lên lầu hai, anh này gặp một người dáng gầy, mảnh, mặc bộ quần áo ở nhà (chắc hơi cũ) và chào, xin phép được gặp thầy “Q”. Thầy cũng già rồi (thời điểm đó trên 70 thì phải), lại nói hơi nhỏ nên anh này không nghe rõ. Anh hỏi lại một lần nữa, cho cháu gặp thầy Q. Thầy trả lời “tôi Q đây”. Anh này mới sững người ra và nói lời xin lỗi với thầy vì không nghe rõ. Sau đó thì hai thầy trò trao đổi công việc như bình thường.

            Sau khoảng hơn chục năm, anh này đã tốt nghiệp NCS theo quy định và hiện đang là phó giám đốc một sở tại một tỉnh của Tây Nguyên. Vừa rồi có dịp mới kể câu chuyện mà cách đây hơn chục năm anh đã vấp phải. Trước khi làm NCS anh này nghĩ chức danh GS. TS là người phải như thế này như thế kia, nên khi lần đầu gặp thầy anh này cứ ngỡ là người giúp việc, nói xin phép được gặp thầy Q đến hai lần, lần thứ hai thầy nói to, rõ “tôi Q đây” anh này mới giật mình, tái mặt cho cái thói quen “nhìn mặt mà bắt hình dong” như bao người khác.

October 14, 2018

Vừa rồi, khi được dự một hội đồng (HĐ) xét duyệt đề cương nhiệm vụ có câu chuyện ngoài lề, mà người viết bài này nghĩ không nên có trong cuộc họp như vậy. Chuyện là vậy, một ủy viên phản biện, trong quá trình phản biện ngoài việc tập trung vào những vấn đề chuyên môn của nhiệm vụ thì có đề cập ngoài lề (trách), rằng ngày trước khi cháu đề xuất làm cây này (1 cây LSNG thuộc nhiệm vụ đang bảo vệ đề cương) Bác (chủ tịch HĐ) gạch đi không cho làm. Chuyện cá nhân cả chục năm về trước. Vị chủ tịch kia cũng hơi bất ngờ và cũng nhanh trí “bây giờ mình nghỉ hưu rồi, các bạn nói gì cũng được”. Hóa ra, trước kia Bác ở cương vị giám đốc 1 đơn vị nghiên cứu và anh kia ở một đơn vị trực thuộc có đề xuất làm cây này cây kia nhưng ban giám đốc không duyệt.
            Qua câu chuyện ngoài lề như vậy, người viết bài này có một vài suy nghĩ: Thứ nhất, việc cho thực hiện hay không một nhiệm vụ (cấp gì đi nữa) về một loài cây nào đó ở 2 thời điểm cách nhau cả chục năm là chuyện bình thường. Trong xét nhiệm vụ, thường xét đến yếu tố “tính cấp thiết”, “tính thời sự” của nhiệm vụ. Chục năm trước ban xét duyệt hoặc có thể chưa thấy được tính cấp thiết hoặc cái khác cấp thiết hơn nên không duyệt. Chuyện bình thường. Chục năm sau, có chương trình này chương trình kia ra đời, cây này có ý nghĩa, có tính thời sự nên được duyệt thực hiện. Bình thường.
Thứ hai, là một người đi sau (học trò) - hiện đang giữ vị trí giám đốc một trung tâm trong hệ thống của đơn vị nghiên cứu, không nên công kích cá nhân vị chủ tịch HĐ kia như vậy. Đó là chuyện cũ của 10 năm về trước. Trách nhiệm của mình là góp ý về chuyên môn của nhiệm vụ này chứ đâu phải lấy cơ hội mà “vạch” cái chưa được của nhau ra. Thật nực cười cho vị phản biện này. Thử hỏi những người trong HĐ khi đó - toàn các vị có chức sắc này chức sắc kia, ấy vậy mà không hiểu vị này nghĩ gì khi có những lời công kích như vậy. Trong khi đó toàn người trong ngành cả. Thật không nên chút nào. Khi vị này có câu chuyện ngoài lề như vậy mọi người biết nhiều về “con người” hơn là vị trí hay chức danh, đặc biệt là nghiên cứu khoa học.
            Ngoài ra, trong quá trình phản biện, vị này luôn luôn khẳng định cây này là cây ưa sáng 100% nên không phải nghiên cứu thí nghiệm che sáng. Thật buồn cười. Đó là nhận định chủ quan chứ anh dựa vào cơ sở nào. Đây là nhiệm vụ nghiên cứu cần phải có thí nghiệm nghiên cứu mới có cơ sở khẳng định cây ưa sáng hay chịu bóng. Giai đoạn nào chịu bóng, giai đoạn nào ưa sáng. Vị này nhất quyết không cho làm thí nghiệm che sáng cũng như phân tích diệp lục của loài cây này. Thôi thì đó là ý kiến của phản biện, nhóm thực hiện tiếp thu và giải trình. Việc làm hay không là ở mình. Nếu là những người trong cuộc ai cũng sẽ hiểu và thông cảm cho nhau. Tạo điều kiện cho nhau cùng phát triển.

March 15, 2018

Kinh qua một vài vấn đề liên quan đến cuộc sống, công việc, và bạn bè (bè bạn), luôn luôn là chưa đủ để hiểu phần nào đó của mọi mặt của xã hội. Trong bế tắc, khi được tiếp cận với những người đi trước, vừa tâm sự, và được những lời khuyên vô cùng quý báu. Tuy nhiên, việc người đi trước khuyên bảo là một chuyện, bởi họ không trong hoàn cảnh của mình; còn chuyện mình nghe, ngẫm nghĩ, và thực hiện (hành động) như thế nào là chuyện khác. Mọi lời khuyên đều có giá trị khi biết vận dụng đúng hoàn cảnh, đặc biệt là có phù hợp với con người (tính cách) mình không?


Sau những vấn đề gặp phải, có tâm sự với người đi trước, và được lời khuyên, xã hội này “TỘI ĐẾCH GÌ MÀ PHẢI GHÉT AI ĐÓ”? Đúng, đúng, và rất đúng với nhiều trường hợp tùy hoàn cảnh của bạn như thế nào. Nghĩ đi nghĩ lại cũng đúng, rất đúng!


Tại sao phải ghét?


Không ưa thì ghép thôi. Tại sao không ưa? Vì nói chuyện không hợp chẳng hạn hay không đồng nhất với nhau ở quan điểm/vấn đề gì đó, …? Vậy ghét có lợi/hại gì cho mình? Phải cân đo, đong đếm. Nếu lợi nhiều hơn hại chẳng tội gì mà phải ghét?


Bạn bè mất chữ tín. Có ghét không. Ghét chứ. Nhưng ghét rồi thì sao? Có gặp mặt nhau nữa không? Còn gì để có thể bỏ qua hay không? Vân vân, và vân vân, … Uh thì, họ sống sao, đối xử sao với mình, mình đối xử với họ như vậy? Trong lòng họ không thoải mái khi tiếp xúc với mình, nhưng bên ngoài tỏ ra rất gần gũi, thân thiết, và tốt bụng. Nếu mình biết, tại sao mình không áp dụng theo cách mà họ sống, đối xử với mình, mọi người. Khó quá. Khó quá. Sao mình có thể làm được điều đó? Mình làm được như họ, và xã hội này ai cũng như ai thì có lẽ đã chẳng phải là xã hội rồi.


Có phải làm thư ký cho Bộ này/Bộ nọ, mình biết, và học hỏi được nhiều điều. Phải chăng sau này mình phấn đấu (đường đi nước bước được bày cho) thì cơ hội cũng được làm Bộ trưởng này/Bộ trưởng nọ cao hơn mọi người. Cũng có thể. Tuy nhiên, tùy vào Quan Hệ, Tiền Tệ, Hậu Duệ, Trí Tuệ (xếp sau cùng) hay không?


Vân vân, và vân vân. Rất nhiều trường hợp có thể kể ra đây. Tuy nhiên, kể ra mọi người nghĩ có thể nhàm, và có thể ai cũng biết, hiểu được. Đành thôi. Ở mỗi chúng ta, ít nhiều đều có bản năng để sinh tồn (thuyết tiến hóa của Darwin). Vì vậy, tùy theo hoàn cảnh mà có những suy nghĩ, cư xử (kỹ năng mềm), và hành động khác nhau, miễn sao có lợi cho mình, và chẳng ảnh hưởng gì đến người khác. Tuy nhiên, sao khó quá, quá khó. Biết vậy mà không phải vậy. Biết vậy mà không làm được. Sao mình không “TỘI ĐẾCH GÌ MÀ PHẢI GHÉT AI” được?

August 02, 2017

Ngồi uống bia, dù bất cứ ở đâu, đặc biệt là uống bia vẻ hè, không hiếm khi chúng ta chứng kiến cảnh “chú ruồi” tham lam cũng sà xuống cốc bia và vẫy vùng trong đó. Cuộc vui cũng bị gián đoạn đôi chút. Và, trong cảnh huống đó, mỗi người có một cách nhìn nhận, và ứng xử khác nhau. Câu hỏi đặt ra là “nếu là bạn, bạn vớt con ruồi ra và uống tiếp, hay bỏ cả cốc bia đó đi”?

Với trường hợp như trên, khi được hỏi thì mỗi người có một cách lý giải khác nhau. Người thì cho rằng (giải thích ở các góc độ khác nhau), nếu ở trường hợp người có điều kiện (tức là có tiền) nên chuyện bỏ cốc bia có chú ruồi kia và gọi cốc mới là chuyện thường nhật. Còn ở khía cạnh những người lao động chân tay, ngồi uống bia với mấy củ lạc thì chắc một điều rất hiếm (chứ không phải là không có) người chỉ vì chú ruồi tham lam hay không may rớt vào mà đổ, bỏ đi cả cốc bia.

Ngồi uống nước, hỏi, một anh nhận định và trả lời rằng “anh sẽ vớt bỏ con ruồi ra và uống tiếp”. Tuy nhiên, anh không quên kèm theo giải thích, nếu khi đó uống đủ tầm rồi thì chắc sẽ bỏ cả cốc bia đi, hoặc nếu hôm đó trong ví rủng rỉnh tiền chắc cũng bỏ đi luôn. Tùy thuộc vào các cảnh huống khác nhau mà trong mỗi con người chúng ta có những ứng xử khác nhau cho dù ở trong cùng một trường hợp “con ruồi rớt xuống cốc bia”.

Trong cuộc sống đừng vì một vài những khiếm khuyết nhỏ nhặt của con người mà nhìn nhận, và đánh giá con người ở một khía cạnh khác, bởi “nhân vô thập toàn”. Đừng chỉ vì một vài câu nói hay yếu điểm mà quy chụp họ này nọ. Không chỉ vì một con ruồi không may mắn sà vào mà đem đổ bỏ cả cốc bia. Thiết nghĩ, việc nhìn nhận, đánh giá, và đặc biệt là việc dùng người cũng nên như vậy hay “dụng nhân như dụng mộc”.

“Người đời ai cũng có chỗ hay, chỗ dở. Ta phải dùng chỗ hay của người và giúp người chữa chỗ dở. Dùng người như dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong đều tùy chỗ mà dùng được! Nếu không biết tùy tài mà dùng người chẳng khác gì thợ rèn bảo đi đóng tủ, thợ mộc bảo đi rèn dao. Thành thử cả hai người đều lúng túng. Nếu biết tùy tài mà dùng người, thì hai người đều thành công” - HCM.
Các ông làm việc không biết sợ là gì? Đó là một câu nói đầy trách nhiệm của một người đi trước, một người lãnh đạo với nhân viên - một người đi sau, nhưng lại chưa vượt qua được những xao nhãng của thời đại công nghệ số, với hai mặt của nó.

Làm gì phải biết sợ. Phải lo sợ công việc triển khai không tốt, không kịp tiến độ, và chất lượng đạt chưa tốt. Vì vậy, phải lo, sợ mà làm việc cho tốt. Không lo, không sợ thì không bao giờ làm việc cho tốt được.

Đó là những trăn trở của một người đi trước trên cương vị lãnh đạo cao nhất. Tuy nhiên, nếu ai ý thước được việc đó thì không nhất thiết phải để lãnh đạo nói như vậy. Biết làm sao được khi ai đó làm việc với tinh thần “chống chế”, “làm việc cho có”. Dù có nói nhiều lần đi chăng nữa, nói rát cổ họng, và nghe không biết bao nhiêu lần với những ai đó chưa có tinh thần cầu tiến thì sẽ rất khó. Bởi, bản thân chưa biết mình cần gì, làm gì, và theo đuổi vì cái gì thì ai nói sao nghe và làm theo được.

Phải biết mình cần gì, muốn gì, và muốn trở thành như thế nào thì chúng ta mới cố gắng phấn đấu để đạt được mục tiêu, mục đích đó. Biết là không có con đường nào là không có chông gai, hay không gặp gian nan. Đứng trước những gian nan ấy chúng ta càng cố gắng để vượt qua, có như thế mới tốt lên được, và đặc biệt là “bất hạnh tạo nên con người”.

Quay lại câu chuyện. Ở góc độ cá nhân, không phải là mình không biết điều đó. Mình vẫn nghe. Những lời nói đúng phải ghi nhận và rút kinh nghiệm, thậm chí những lời nói chưa đúng cũng chẳng sao, và càng phải nhìn nhận ở các góc độ khác nhau. Ở khía cạnh của S mọi chuyện không như mình nghĩ, nhìn nhận nên chuyện S nói chưa đúng cũng chẳng sao (mình nghĩ vậy nhưng chưa làm được). Trước đó, S nói gì ít nhiều mình cũng phản ứng, đặc biệt là những gì chưa chuẩn. Vì cái tôi hơi lớn nên mọi người hay quy chụp là “tự ái”. Thực ra, quan điểm của mình thì khác, S hay ai đó nói về vấn đề gì, đặc biệt là liên quan đến mình, mình phải có chính kiến của mình, nói lên những suy nghĩ của mình, và thậm chí là hành động theo cách của mình. Cái đó có gì là sai? Đâu phải tính “tự ái”. Có thể mọi người (một số) ở trong trường hợp mình thì cứ ậm ừ cho xong “khom lưng uốn gối” và chẳng nói lên suy nghĩ của mình. Đó là quan điểm của mọi người. Mình khác. Không phải vì tính tự ái (đôi chút thôi) mà mình hành xử như vậy, có chăng cách của mình hơi thô thiển, thẳng thắn, và đó là dại vô cùng.

Thôi thì, mọi thứ luôn luôn phải học hỏi. Chẳng phải như thế mà mình lại nhìn người, nhìn đời ở một khía cạnh khác. Ai cũng khôn cả, bởi “thế giới chẳng có thằng nào ngu cả - Hemingway”. Đường ta cứ đi, từng bước một, và rồi sẽ tới.

July 24, 2017

Ngày nay, ai đó ra đường là phải giới thiệu làm ở vị trí này, vị trí nọ, và chức danh này chức danh kia. Phải là ông nọ, bà kia. Phải là quyền cao chức trọng. Kẻo không, người đối diện coi khinh, và câu chuyện sẽ diễn biến theo một chiều hướng khác. Đâu đó, chúng ta bước ra đường là phải khoác lên mình những chiếc áo choàng hào hoa phong nhã, với các chức danh, học hàm học vị, và những chức vụ trưởng phòng, phó giám đốc, vân vân và vân vân. Mặc dù tuổi còn rất khiêm tốn “tuổi trẻ tài cao”. Tuy nhiên, không hiếm những người vì cái danh mà để ra oai, đi nói chuyện hay xã giao cho tự tin, thể hiện đẳng cấp. Hữu danh vô thực. Bởi, người ta có chức vụ, học hàm, học vị mà mình chẳng có gì thì thiếu tự tin (đó là suy nghĩ của không ít người). Thôi thì, phải có cho xứng với người đối diện, mới dễ bề nói chuyện, và xã giao, thậm chí là làm ăn. Bởi, cái mác quan trọng hơn cả. Những chiếc áo choàng nhằm che lấp đi những gì vốn có bên trong.

Trường hợp, một vị chưa có chức danh, chức vụ gì cả. Nhưng mỗi khi đi nói chuyện, liên hệ công việc cứ phịa ra “trưởng phòng”, có vị thì phịa ra chức “chánh văn phòng này nọ”, của một đơn vị/tổ chức. Mất của ai, ảnh hưởng đến ai đâu mà sợ. Bởi có chút chức sắc họ (người đối diện) mới kiêng nể và dễ bề nói chuyện. Mấy ai đi hỏi, dò la, kiểm tra xem ông này, bà kia có đúng là trưởng phòng, chánh văn phòng hay không? Thật chẳng biết xấu hổ là gì. Có thể (xin nhắc lại là có thể) cái dây thần kinh xấu hổ bị teo biến hoặc biến thái mất rồi. Nếu có thực đâu cần phải bày văn múa chữ, phô bày văn chương. Bởi “hữu xạ tự nhiên hương”.

Trường hợp, một anh bạn với mục tiêu xứng danh học vị tiến sĩ (TS). Trong khi theo đuổi con đường khoa bảng thì chuyên môn chẳng màng tới là bao. Đến giờ đi được 1/3 quãng đường rồi mà vấn đề nghiên cứu (chuyên môn) vẫn đang trong thời kỳ thai nghén. Hỏi ra mới biết, anh cố gắng theo đuổi để có học vị TS, để đi nói chuyện làm ăn với đối tác họ phải kiêng nể một phần và dễ bề làm ăn hợp tác hơn. Mục tiêu xứng danh học vị TS của anh là như vậy. Thực ra, mỗi người có một mục đích, hay hơn một mục đích để theo đuổi con đường sự nghiệp khoa bảng. Người muốn theo đuổi để về mở mày mở mặt với anh em, xóm làng; người vì bị ép buộc (bố mẹ, hay gia tộc bắt phải học, và phải lo để có); người vì các vị trí đã được cơ cấu, theo học để có bằng và về là được thăng quan tiến chức; người thì với mục đích có để kiếm tiền (có bằng TS để được đứng tên chủ nhiệm đề tài/dự án); người thì với mục đích khoa bảng thực sự, theo con đường nghiên cứu khoa học (số này không nhiều);... Nói chung, mỗi người có một mục đích khác nhau khi dấn thân theo con đường khoa bảng để lấy được học vị TS.

Trường hợp khác, một anh được giao nhiệm vụ liên hệ và tìm kiếm công việc. Đi nói chuyện làm ăn với các đối tác, vì chưa có chức danh, chức vụ nên rất khó nói chuyện làm ăn. Và, mục tiêu để làm ăn được, người đi nói chuyện ít ra phải có một chức vụ gì đó, chứ nhân viên thì khó. Dường như nhiều người (không phải tất cả) cũng có suy nghĩ vậy, nên khi đi nói chuyện làm ăn phải ông nọ, bà kia, với các chức vụ cao ngất ngưởng để lời nói mới có trọng lượng. Sếp nói chuyện làm ăn với Sếp. Mấy đời, nhân viên một đơn vị nọ lại nói chuyện làm ăn với sếp một đơn vị đối tác. Nhiều người suy nghĩ vậy. Và thực trạng xã hội là vậy.

Xã hội có muôn hình vạn trạng. Khổ cái, những người ý thức được thì chẳng bao giờ tự khoe khoang là mình “tài, giỏi” cả. Bởi, “hữu xạ tự nhiên hương”. Trong khi đó, không hiếm những con người chỉ “bày văn múa chữ” (mượn câu của Khổng Minh), trong khi thực chất thì chẳng đáng là bao, bởi “thùng rỗng kêu to”. Và, “họ thường có thái độ [thượng đội, hạ đạp]; với đồng nghiệp dưới quyền họ hành xử theo quan hệ vua chúa và nô lệ, với người cấp trên họ tỏ ra như một nô bộc trung thành. Những đặc tính đó được gọi chung là narcissism (hội chứng ái kỉ), trong đó, tiêu chí đầu tiên là [phô trương, vĩ cuồng, và tự quan trọng hóa]” [1].

“Danh là khách của thực, thực là chủ của danh, có danh, mà lại có thực thì danh vì thế được coi trọng. Có danh mà không có thực thì danh vì thế bị coi khinh” - trên bia đá tại Văn Miếu.
“Nếu chỉ mượn tiếng đỗ đạt để cầu ấm no, chỉ mưu cho tham, không nghĩ đến nước, thì người ta sẽ chỉ tận tên (trên bia) mà nói: Kẻ này gian, kẻ này nịnh, kẻ này đặt việc nhà lên trên việc nước làm gầy người béo ta, kẻ này làm hại người lành, kết bạn cùng lũ gian tham. Như thế thì bia càng lâu càng bị bôi nhọ. Đó việc lập bia có ý nghĩa sâu sa như thế, có phải chỉ cốt để lâu dài cho vẻ vang thôi đâu?”

==============================
[1] Nguyễn Văn Tuấn (http://tuanvannguyen.blogspot.com/2017/05/hoi-chung-ai-ki-trong-khoa-hoc.html)

July 19, 2017

Chúng ta không thể phủ nhận những thành tựu của khoa học công nghệ (KHCN) trong sự nghiệp phát triển chung của nhân loại. Ở góc độ vi mô, đâu đó KHCN cũng góp phần tạo nên sự kết nối không giới hạn giữa con người với nhau, dù lứa tuổi, địa vị, địa phương, và quốc gia nào. Sự kết nối qua các mạng xã hội, đặc biệt là facebook, đem chúng ta đến gần nhau hơn, và cũng qua mạng xã hội này, đâu đó có những câu chuyện vừa buồn vừa vui, thậm chí cười ra nước mắt.

Trường hợp, khi tham gia mạng xã hội facebook, để tạo một tài khoản, bạn phải cung cấp cho nhà quản lý một vài thông tin cần thiết như email, số điện thoại... Và, trường hợp bạn tạo trên một tài khoản hoặc không muốn người khác biết thông tin cá nhân của bạn, bạn thường khai thông tin chưa chính xác như giới tính, tuổi, ngày tháng năm sinh... (ngoài trừ những thông tin bắt buộc và chính xác). Câu chuyện cũng bắt đầu từ việc mình tạo một tài khoản facebook và mình cũng khai báo thông tin chưa chuẩn xác (sai sự thật), đó là ngày tháng năm sinh của mình. Và, facebook có chức năng, đến ngày sinh của ai đó (khai báo ban đầu), facebook tự động gửi đến tất cả các thành viên (bạn của người có sinh nhật hôm này), nhắc nhở mọi người hôm nay là sinh nhật của tài khoản facebook A nào đó. Nhắc nhở mọi người có gửi lời nhắn nhủ, hay chúc mừng gì đó đến thành viên A. Và, mọi chuyện cũng bắt đầu từ đó.

Facebook đã làm thay chúng ta việc nhớ ngày tháng năm sinh của một ai đó. Đến ngày, facebook sẽ báo cho mọi người, hôm nay, ngày này tháng nọ năm kia là sinh nhật của ai và nhắc nhở mọi người. Cũng nhờ công nghệ đó, chúng ta - các thành viên tham gia chẳng mấy quan tâm, thậm chí chẳng phải nhớ ngày sinh nhật của một ai đó, và cũng chẳng sợ không nhớ, mà không gửi được lời chúc mừng sinh nhật đến bạn bè, người thân. Bởi, facebook nhớ hộ và sẽ nhắc nhở kịp thời, nếu bạn thường xuyên lướt facebook.

Thật trớ trêu. Tài khoản facebook của bạn bè, có người không khai báo đúng ngày tháng năm sinh, nên việc facebook không biết ngày đó đúng là ngày sinh thực của bạn hay không, mà cứ căn cứ vào ngày bạn khai báo khi tạo tài khoản cá nhân. Đối với những thành viên chỉ biết và kết bạn qua facebook thì không sao (có thể chẳng quan tâm làm gì), nhưng những người bạn thân, trước này đều biết ngày sinh thực của bạn. Tuy nhiên, do công việc bận rộn, nhiều thứ phải lo nghĩ, thời gian đâu mà nhớ ngày sinh nhật của một ai đó, đặc biệt là những người bạn đó cũng ở mức bình thường. Nên, một hôm facebook hay email (nếu bạn đăng ký nhận thông tin qua email) báo hôm nay là sinh nhật của tài khoản A (cũng là bạn bè gì đó). Theo quán tính, chẳng phải suy đi tính lại làm chi, gửi một lời chúc mừng sinh nhật. Thật đơn giản, một cái kích chuột gửi lời chúc mừng sinh nhật, với đầy đủ cụm từ chúc mừng sinh nhật ý nghĩa, kèm theo cả biểu tượng bánh sinh nhật... (như Zalo chẳng hạn).

Hôm nay, đang trên đường đi làm về, được một anh (duy nhất một anh) gửi một lời chúc mừng sinh nhật qua điện thoại.
-       Chúc mừng sinh nhật - anh gửi
-       Đang ngơ ngác không hiểu chuyện gì, nghĩ anh nhắn nhầm. Rồi nhắn tin trả lời: Anh lộn rồi - tôi nhắn lại
-       Em cảm ơn anh. Vì đã cho em nhìn thấy mặt trời trước hai tháng - tôi nói tiếp
-       Vậy à, mạng báo nhầm chứ? Sorry - anh trả lời
-       Oh, dữ liệu mạng? - tôi nhắn lại

Thôi thì bận rộn mà được cái anh facebook này hay thật, nhớ hộ mình ngày sinh nhật hay thông tin của một ai đó mà mình chẳng phải bận tâm gì nhiều. Khi nào có thông tin gì hay sinh nhật ai là anh face báo và nhắc nhở ngay. Theo quán tính, anh gửi lời chúc mừng sinh nhật. Đơn giản. Dễ dạng. Gọn nhẹ.

Cũng thú thực, ngay bản thân mình cũng gặp trường hợp dở khóc dở cười hơn thế rất nhiều. Ngày sinh nhật vợ, mình cũng chẳng nhớ. Trong khi đó, mình lại ít lên facebook nên mù tịt thông tin. Đúng hôm đó. Ngày sinh nhật vợ. Chẳng nhớ và cũng không ở nhà. Quên. Cả ngày không gọi điện, nhắn một tin chúc mừng sinh nhật, và tối về cũng chẳng gọi điện như thường ngày (dở thật). Bình thường như không có gì. Gần hết ngày, chuẩn bị đi ngủ, mở email mới có tin nhắn, hôm nay là sinh nhật của tài khoản B (tài khoản vợ mình). Giật mình. Ôi chao. Đoảng thật. Ngày sinh nhật vợ cũng chẳng nhớ. Thế là vội vội vàng vàng, nhắn một tin chúc mừng sinh nhật vợ trước khi hết ngày. Khi đó muộn rồi nên cũng không gọi điện.

Hôm sau, tối về mới gọi điện nói chuyện như bình thường. Vợ nói thẳng một câu. Anh quên cả ngày sinh nhật vợ. Và, phải xin lỗi rối rít. Thật tội cho vợ. Và, cũng buồn cho mình. Ngày sinh nhật vợ cũng quên thì...

Qua đây, mới thấy công nghệ phát triển đồng nghĩa cũng có mặt trái của nó. Thay vì nhớ và để ý tới ngày sinh nhật của ai đó, và gửi lời chúc mừng chân thành nhất, thì qua mạng xã hội, báo, và nhắc nhở, mọi người dễ dàng gửi một lời chúc, bưu thiếp, và thậm chí chẳng cần phải suy nghĩ lời chúc, ý nghĩa của nó cho đau đầu và thay vào đó là một cái kích chuột. Đơn giản. Thuận tiện. Thay vì gửi lời chúc mừng sinh nhật khi gặp nhau, bạn có thể gửi lời chúc qua một chiệc điện thoại, máy tính bảng qua các mạng xã hội. Và, thế là xong.

Không thể phủ nhận những tiện ích to lớn mà công nghệ đã mang lại cho cuộc sống hiện đại, văn mình ngày nay. Nhưng đâu đó (không phải vơ đũa cả nắm) có rất nhiều cảnh huống mà công nghệ lại tạo nên cảm nhận của những người xa lạ, một đám đông “cô đơn”!

chủ đề

Ăn của rừng bài báo khoa học bản quyền bành trướng Bảo vệ cây là bảo vệ chính mình biến đổi khí hậu Biển Đông Biết sai vẫn cứ làm biểu đồ biểu đồ hộp biểu đồ sai số chuẩn Biểu đồ tương quan Biểu đồ với nhãn bon-sai boxplot buoc-dau-nghien-cuu-khoa-hoc but-ky-doi-toi Cái tài Cái tâm Cái tầm canh tác đất dốc Cây xanh đô thị Cha chung không ai khóc cha nào con nấy Chân thiện mỹ chân trong chân ngoài chạy chức chạy quyền Che chở Chết toàn tập chọn cách ta sống chữ tín chuyện giờ mới kể có vấn đề Cơm áo gạo tiền Con cháu các cụ con người biến thái Con ông cháu cha công nghệ 4.0 correlation matrix corrgram corrplot Cứ đi rồi sẽ tới cuộc cách mạng 4.0 Đam mê đàn gảy tai trâu danh dự danh xưng phù phiếm Đạo đức sống đào tạo sau đại học Đạo văn Đấu tranh sinh tồn day-do Đẹp trong tâm hồn Đi tắt đón đầu dở khóc dở cười đọc nghe nhìn và cảm nhận Dồn điền đổi thửa Động lực dựa vào nhau mà sống error bar plot GGalyy ggcorplot ggExtra ggiraph ggplot2 ggrepel ggthemes Giáng sinh Giáo dục giàu nghèo giục tốc bất đạt Góc quê gridExtra Hài lòng Hai mặt một lời hãy là chính mình hãy sống có trách nhiệm hơn hèn nhát Hiệu sau ứng bão hiệu ứng domino formosa Hiệu ứng sau bão Hòa cả làng học giả bằng thật hoc-lam-tho hoc-r-moi-ngay Ích kỷ KH&CN khả năng Khoán chi Không lối thoát Kiểm định thống kê kỹ năng mềm Kỷ niệm vùng miền Label lan rừng Lão Hạc thế kỷ 21 Liêm chính lính đánh thuê Lợi dụng lợi ích nhóm lừa trên gạt dưới lười suy nghĩ Lương thiện giả vờ Lương y Ma trận tương quan Mẹ Miền cát trắng miền đất hứa Mộc Châu món ăn địa phương Mùa gặt Mục đích sống Mường La Nghịch lý chất lượng - số lượng Nghiên cứu khoa học Ngồi chơi xơi nước Nhân cách nhu cầu Những cung đường tôi đã qua NN&PTNT phân cấp sinh trưởng phân tích hậu định phan-bien-xa-hoi plot3D psych Quán Nha R Rừng ngập mặn rước hổ về nhà rvg sach-hay SARS-CoV-2 sau-luy-tre-lang sciplot Số cây Số liệu trống không Sông Châu sống chết mặc ai sức ỳ sức ỳ bản thân suy thoái Tầm lùn tâm sự tâm sự buồn thảm họa formosa thảm họa môi trường tham nhũng Thân cô thế cô thắng cố ngựa Thăng trầm Thấy vậy mà không phải vậy Thế cây Thế cây cổ Thế cây thế người Thông điệp cuộc đời Thống kê mô tả Thông tư Thước đo lòng người Thủy điện Tiên trách kỷ hậu trách nhân Tình bạn cao đẹp Tình người Tố chất làm khoa học tội đếch gì mà phải ghét ai Tôi sợ giầu lắm track changes Trải nghiệm tre già măng mọc trở mặt Trung thực tư duy Tự sự Tư tưởng thụt lùi tuy duy nhiệm kỳ Ứng dụng R trong lâm nghiệp Văn hóa cảm ơn Văn hóa giao thông văn hóa ngầm Văn hóa xin lỗi Xấu khen đẹp chê Xỏ nhầm giầy xoay đầu đổi đít Ý tưởng
Powered by Blogger.

Disqus Shortname

Widget Recent Post No.

Widget Random Post No.

Widget Recent Comment No.

PageNavi Results No.

Labels Max-Results No.

Comments system

Contact Form

Name

Email *

Message *

bài đăng phổ biến

số lượt ghé qua trang blog

Bài đăng nổi bật

Thế cây thế người

T hế trong CÂY CẢNH thể hiện các chi tiết về CẤU TRÚC ở mọi phương diện, đa góc nhìn (trên dưới trái phải ngang dọc), trong đ...

Bài đăng phổ biến

bài xem nhiều nhất