Kinh nghiệm của người bình duyệt. “Làm người bình duyệt là một hình thức tự mình trau dồi kỹ năng nghiên cứu:
nhận dạng nhầm lẫn của người khác cũng có nghĩa là nâng cao kĩ năng nhận dạng
nhầm lẫn của chính mình” [1]. Trong cái note này, mình mượn ý của GS Nguyễn
Văn Tuấn đã đúc kết về kinh nghiệm của người làm bình duyệt (bài báo khoa học;
thuyết minh xin trợ cấp đề tài, dự án; báo cáo; luận văn NCS... trong và ngoài
nước) để học tập, trau dồi kiến thức, kỹ năng cho công việc của mình.
“Nhân vô thập toàn”. Ở góc độ nào đó, không ai có thể
hoàn thiện mọi mặt của một vấn đề, tức là, mọi vấn đề đều vẫn còn những khiếm
khuyết dù nhỏ dù ít. Ngay cả trong cuộc sống của mỗi chúng ta cũng vậy. Trong
phạm vi bài viết, mình xin được đề cập đến khía cạnh của một người “nghiên cứu viên”, với công việc chính là
thực hiện các đề tài, dự án các cấp. Theo đó, việc thực hiện các nội dung
nghiên cứu chuyên môn, từ việc xây dựng thuyết minh, thiết kế thí nghiệm, đi điều
tra khảo sát thực địa, thu thập số liệu, tổng hợp... đến xử lý, phân tích dữ liệu
và viết báo cáo thành phần, báo cáo tổng kết... Để công việc được thuận lợi, rất
cần thiết mọi việc “làm đúng, làm chuẩn
ngay từ đầu”. Hơn nữa, để làm tốt những công việc có liên quan (điều tra khảo
sát, thu thập số liệu, tổng hợp, phân tích và viết báo cáo...) rất cần mỗi
chúng ta tự ý thức được việc tự tìm hiểu (đọc tài liệu, đọc các công trình, báo
cáo có liên quan đến vấn đề nghiên cứu...), thậm chí tập làm phản biện (đề xuất,
thuyết minh, báo cáo tổng kết...). Qua đó, học hỏi được nhiều điều từ những
công trình, kết quả đã làm. Bởi, kiến thức chuyên môn hay những vấn đề có liên
quan không tự dưng mà ta biết hay có sẵn trong vốn kiến thức... mà dần được
tích lũy, đúc kết qua quá trình tìm hiểu, học hỏi và trau dồi vốn kiến thức vô
tận của loài người.
Cách đây 3-4 năm gì đó, tôi đã nhận ra điều này và cũng bắt đầu
áp dụng, tập đọc, tập góp ý, tập làm phản biện từ các đề xuất, thuyết minh nhiệm
vụ, báo cáo sản phẩm, báo cáo tổng kết đề tài/dự án các cấp... đến các luận án
(thạc sỹ, tiến sĩ), các bài báo khoa học... để từ đó biết và học hỏi thêm nhiều
điều; đúc rút kinh nghiệm làm vốn để hạn chế dần cho những thiếu sót hay những
nhầm lẫn của mình trong việc thực hiện các đề tài/dự án nghiên cứu.
Nếu được, những gì mình tập phản biện, cần sự trợ giúp của
các chuyên gia, cây đa cây đề trong lĩnh vực mình theo đuổi tham vấn và trao đổi về những vấn đề mà mình góp ý trong mỗi báo cáo đề tài/dự án... Qua đó, làm rõ
hơn những vấn đề mà mình chưa biết. Đó có thể coi là một bài học vô giá, không
phải ai cũng nhận biết được và thực hành được. Nói đến đây nghe có vẻ khó hình
dung, tức là, mình có tham gia làm cộng tác viên, trợ giúp cho một GS nên ít
nhiều, công việc của GS mình được tham gia cùng (đọc, góp ý và trao đổi vấn đề).
Qua những lần như vậy, vốn kiến thức của mình sẽ cải thiện dần lên cũng như biết
thêm được những sai sót, nhầm lẫn trong mỗi báo cáo và lấy đó làm kinh nghiệm
cho bản thân trong việc học tập, nghiên cứu và thực hiện các nhiệm vụ khoa học
công nghệ các cấp. Nói theo câu của GS Tuấn: “nhận dạng nhầm lẫn của người khác cũng có nghĩa là nâng cao kĩ năng nhận
dạng nhầm lẫn của chính mình” [1].
Đó có lẽ là một trải nghiệm về công việc của một người “tập làm bình duyệt” và không phải ai
cũng may mắn tiếp cận, bắt chước và làm theo được. Xin được kết thúc bài nói
chuyện bằng câu nói của Khổng Tử (dẫn theo GS Tuấn [1]): “Nếu dùng ngôn ngữ không đúng, thì những gì được phát biểu sẽ bị hiểu
sai; nếu những gì phát biểu bị hiểu sai, thì những gì cần phải làm sẽ không thực
hiện được, và những gì không thực hiện được, đạo đức và nghệ thuật sẽ trở nên tồi
tệ hơn”.
========================
[1] Nguyễn Văn Tuấn (2013). Từ nghiên cứu đến công bố - Kỹ năng mềm cho
nhà khoa học. Nxb Tổng hợp TP HCM, tr 31.
0 comments:
Post a Comment