Ngày nay, ai đó ra đường là phải giới thiệu làm ở vị trí
này, vị trí nọ, và chức danh này chức danh kia. Phải là ông nọ, bà kia. Phải là
quyền cao chức trọng. Kẻo không, người đối diện coi khinh, và câu chuyện sẽ diễn
biến theo một chiều hướng khác. Đâu đó, chúng ta bước ra đường là phải khoác
lên mình những chiếc áo choàng hào hoa phong nhã, với các chức danh, học hàm học
vị, và những chức vụ trưởng phòng, phó giám đốc, vân vân và vân vân. Mặc dù tuổi
còn rất khiêm tốn “tuổi trẻ tài cao”. Tuy nhiên, không hiếm những người vì cái
danh mà để ra oai, đi nói chuyện hay xã giao cho tự tin, thể hiện đẳng cấp. Hữu
danh vô thực. Bởi, người ta có chức vụ, học hàm, học vị mà mình chẳng có gì thì
thiếu tự tin (đó là suy nghĩ của không ít người). Thôi thì, phải có cho xứng với
người đối diện, mới dễ bề nói chuyện, và xã giao, thậm chí là làm ăn. Bởi, cái
mác quan trọng hơn cả. Những chiếc áo choàng nhằm che lấp đi những gì vốn có
bên trong.
Trường hợp, một vị chưa có chức danh, chức vụ gì cả. Nhưng mỗi
khi đi nói chuyện, liên hệ công việc cứ phịa ra “trưởng phòng”, có vị thì phịa
ra chức “chánh văn phòng này nọ”, của một đơn vị/tổ chức. Mất của ai, ảnh hưởng
đến ai đâu mà sợ. Bởi có chút chức sắc họ (người đối diện) mới kiêng nể và dễ bề
nói chuyện. Mấy ai đi hỏi, dò la, kiểm tra xem ông này, bà kia có đúng là trưởng
phòng, chánh văn phòng hay không? Thật chẳng biết xấu hổ là gì. Có thể (xin nhắc
lại là có thể) cái dây thần kinh xấu hổ bị teo biến hoặc biến thái mất rồi. Nếu
có thực đâu cần phải bày văn múa chữ, phô bày văn chương. Bởi “hữu xạ tự nhiên
hương”.
Trường hợp, một anh bạn với mục tiêu xứng danh học vị tiến
sĩ (TS). Trong khi theo đuổi con đường khoa bảng thì chuyên môn chẳng màng tới
là bao. Đến giờ đi được 1/3 quãng đường rồi mà vấn đề nghiên cứu (chuyên môn) vẫn
đang trong thời kỳ thai nghén. Hỏi ra mới biết, anh cố gắng theo đuổi để có học
vị TS, để đi nói chuyện làm ăn với đối tác họ phải kiêng nể một phần và dễ bề
làm ăn hợp tác hơn. Mục tiêu xứng danh học vị TS của anh là như vậy. Thực ra, mỗi
người có một mục đích, hay hơn một mục đích để theo đuổi con đường sự nghiệp khoa
bảng. Người muốn theo đuổi để về mở mày mở mặt với anh em, xóm làng; người vì bị
ép buộc (bố mẹ, hay gia tộc bắt phải học, và phải lo để có); người vì các vị
trí đã được cơ cấu, theo học để có bằng và về là được thăng quan tiến chức; người
thì với mục đích có để kiếm tiền (có bằng TS để được đứng tên chủ nhiệm đề
tài/dự án); người thì với mục đích khoa bảng thực sự, theo con đường nghiên cứu
khoa học (số này không nhiều);... Nói chung, mỗi người có một mục đích khác
nhau khi dấn thân theo con đường khoa bảng để lấy được học vị TS.
Trường hợp khác, một anh được giao nhiệm vụ liên hệ và tìm
kiếm công việc. Đi nói chuyện làm ăn với các đối tác, vì chưa có chức danh, chức
vụ nên rất khó nói chuyện làm ăn. Và, mục tiêu để làm ăn được, người đi nói
chuyện ít ra phải có một chức vụ gì đó, chứ nhân viên thì khó. Dường như nhiều
người (không phải tất cả) cũng có suy nghĩ vậy, nên khi đi nói chuyện làm ăn phải
ông nọ, bà kia, với các chức vụ cao ngất ngưởng để lời nói mới có trọng lượng.
Sếp nói chuyện làm ăn với Sếp. Mấy đời, nhân viên một đơn vị nọ lại nói chuyện
làm ăn với sếp một đơn vị đối tác. Nhiều người suy nghĩ vậy. Và thực trạng xã hội
là vậy.
Xã hội có muôn hình vạn trạng. Khổ cái, những người ý thức
được thì chẳng bao giờ tự khoe khoang là mình “tài, giỏi” cả. Bởi, “hữu xạ tự
nhiên hương”. Trong khi đó, không hiếm những con người chỉ “bày văn múa chữ”
(mượn câu của Khổng Minh), trong khi thực chất thì chẳng đáng là bao, bởi
“thùng rỗng kêu to”. Và, “họ thường có thái độ [thượng đội, hạ đạp]; với đồng
nghiệp dưới quyền họ hành xử theo quan hệ vua chúa và nô lệ, với người cấp trên
họ tỏ ra như một nô bộc trung thành. Những đặc tính đó được gọi chung là
narcissism (hội chứng ái kỉ), trong đó, tiêu chí đầu tiên là [phô trương, vĩ cuồng,
và tự quan trọng hóa]” [1].
“Danh là khách của thực, thực là chủ của danh, có danh, mà lại
có thực thì danh vì thế được coi trọng. Có danh mà không có thực thì danh vì thế
bị coi khinh” - trên bia đá tại Văn Miếu.
“Nếu chỉ mượn tiếng đỗ đạt để cầu ấm no, chỉ mưu cho tham,
không nghĩ đến nước, thì người ta sẽ chỉ tận tên (trên bia) mà nói: Kẻ này
gian, kẻ này nịnh, kẻ này đặt việc nhà lên trên việc nước làm gầy người béo ta,
kẻ này làm hại người lành, kết bạn cùng lũ gian tham. Như thế thì bia càng lâu
càng bị bôi nhọ. Đó việc lập bia có ý nghĩa sâu sa như thế, có phải chỉ cốt để
lâu dài cho vẻ vang thôi đâu?”
==============================
[1] Nguyễn Văn Tuấn (http://tuanvannguyen.blogspot.com/2017/05/hoi-chung-ai-ki-trong-khoa-hoc.html)