Thực sự sau buổi nghiệm
thu cấp cuối cùng đề tài RPH mình mới nhận ra một điều. Mình đã sai lầm. Sai lầm
nghiêm trọng. Trước khi nghiệm thu ở cấp cơ sở, tức là trong quá trình chắp
bút, xử lý dữ liệu, và dần hoàn thiện báo cáo mình đã nhận ra những thiếu sót,
cả những thiếu sót có thể khắc phục được và những thiếu sót khó khắc phục được.
Đặc biệt sau khi nghiệm thu sản phẩm, cấp cơ sở mình cũng nhận ra nhiều thiếu
sót từ những góp ý quý báu của các thành viên hội đồng. Tuy nhiên, cái sai lầm
chết người của mình là “chưa cố gắng hết
mình thực sự”. Sở dĩ mình chưa cố gắng hết mình cũng bởi nhiều nguyên do và
một phần còn non kinh nghiệm chinh chiến cả về chuyên môn lẫn xử sự với những
con người có liên quan.
Thực ra, trước đó
mình cũng nghĩ tương đối nhiều về chuyện này, mình cũng đã xin ý kiến rất nhiều,
và đi đến quyết định cuối cùng là cố gắng hết sức mình. Khi đó mình dành rất
nhiều thời gian, từ việc thu thập số liệu, nhập số liệu, xử lý và phân tích dữ
liệu, đến việc chắp bút (đến 95% là mình đánh máy, 5% còn lại là mình coppy
paste). 95% đánh mánh, tức là tổng hợp tổng quan tài liệu, kế thừa các công
trình, kết quả có liên quan. Phần kết quả và thảo luận thì phần lớn dựa trên kết
quả để phân tích, chứ lấy đâu ra mà cóp nhặt. Tuy nhiên, cũng chính vì thời
gian, nhân lực eo hẹp và nội dung tương đối lớn, dàn trải nên cận ngày mình
đành liệu, coppy paste và hậu quả, trong 5% đó có một vài sai lầm nhỏ về dữ liệu
quá cũ và không còn thích hợp nữa. Đó là một khuyến nghị “chết người”, giờ còn “tăng vốn đầu tư cho trồng rừng thuộc Chương
trình 661”, cái mà đã kết thúc gần chục năm nay (kết thúc năm 2010). Chết người
thật. Nhiều cái đạt được thì chưa được ghi nhận, chỉ một cái sai sót nhỏ đủ để
nói là coppy paste, thậm tệ hơn “cẩu thả”.
Bài học xương máu. Tuy nhiên, cũng chẳng trách được ai, “tiên trách kỷ hậu trách nhân”. Bài học trân quý “nhận dạng nhầm lẫn của người khác cũng có
nghĩa là nâng cao kĩ năng nhận dạng nhầm lẫn của chính mình” [1].
Quay lại vấn đề. Một
vài nguyên do mà mình thực sự “chưa cố gắng
hết mình”. Thứ nhất, khi đang cố
gắng để hoàn thiện tốt nhất, sớm nhất thì bị xao nhãng bởi thứ vụn vặt. Nào là,
“các ông toàn người sử dụng đồng tiền vô
trách nhiệm”. Tiền OPM. Rồi thì, “đăng
đủ rồi, không đăng nữa, phải tiết kiệm”. Đăng bài báo (yêu cầu một trong những
sản phẩm khoa học. Thử hỏi, LĐ nói vậy có nản không chứ. Trong khi đó, người cần
nói thì chẳng nói, mà có nói với những người cần nói thì cũng là “lời nói gió bay”, “ai nói người nấy nghe”. Và, tôi lại là người nghe, chịu đòn thay.
Không thể. Không thể “quýt làm cam chịu”
được. Thể hiện tính cách cá nhân. Cái tôi nó hơi quá một chút. Chê, trách một
vài người trước mặt nhiều người. Ai chẳng không thích người khác chê. “Chẳng có gì cao quý khi ta hạ thấp người
khác”. Sai lầm chết người. Đã rút kinh nghiệm. Bởi “ếch chết tại miệng”. Chẳng giải quyết được gì?
Thứ
hai,
ở một nhiệm vụ khác (cấp nhỏ hơn). Sau khi bảo vệ cấp cơ sở. LĐ nói một câu
xanh rờn, đại loại “có sửa chữa nhiều
cũng đến thế mà thôi”, tức là, quan điểm của LĐ chỉ sửa cho nó có. Và, nộp
cho xong. Xong là xong. Xong là hết. Xong là vứt kho. Phụ trách nhiệm vụ đó
cũng thật lòng bày tỏ cho tôi biết. Biết vậy, làm cho mình càng nản. Thế là,
đang trong lúc gặp nhiều bức xức, nghe được quan điểm như vậy làm mình phải suy
nghĩ. Mình cố gắng vì cái quái gì? Muốn cố gắng hết sức. Làm tốt hết sức có thể.
Ai ghi nhận. Công trạng ai lãnh. Trong khi đó, hễ đụng chạm tới “tiền” là thế này thế kia. Mệt đầu. Nản.
Nản vô cùng.
Thứ
ba,
âu cũng là ở con người. Những con người, ban đầu đều xác định “chung lưng đấu cật”. Nhưng hết người này
đến người kia chỉ lợi dụng nhau mà thôi. Việc nặng nhọc thì nói ngon nói ngọt để
người khác làm tất, nhưng đụng đến quyền lợi thì chẳng màng gì tới mình. Khôn vặt.
Khôn hết phần người khác. Tưởng giỏi giang gì? Nếu giỏi thì ra ngoài đấu đá bên
ngoài, chứ anh em tứ xứ tựu chung về đây làm công ăn lương, có đồng công tác
phí, đồng hỗ trợ đèn sách, bút mực, đồng khuyến khích cũng ăn hết thì người ta
“khinh”. Thực ra, mình cũng chẳng nặng
nhẹ gì. Nhưng con người phải biết “trân
quý” những gì mình sống, làm việc; phải có trách nhiệm với những gì mình
làm, mình hưởng, và phải biết đối nhân xử thế với con người xung quanh. Bởi, “thế giới chẳng có thằng nào ngu cả”.
Mình thì chẳng thể làm được gì rồi. Và, cũng bị người khác lợi dụng, lấy đó làm
cơ mà gây khó dễ cho người đó thôi. Thế rồi cũng “đường ai nấy đi”. Và, đau hơn nữa là “ăn trước trả sau”. Đau. Đau thay. Nhục. Nhục thay.
Thứ
tư,
thực ra mình nghĩ, mình có nói gì đi chăng nữa (đã nói nhiều, nói thật rồi, và
làm mất lòng mọi người, LĐ cũng có rồi) LĐ, mọi người chẳng quan tâm làm gì.
Thôi thì, để khách quan, nhờ mọi người trong hội đồng nói, đóng góp may ra LĐ
còn nghe. Dù rằng, nhiều vấn đề sẽ là không hay, thậm chí ảnh hưởng đến đơn vị.
Nhưng đành nhắm mắt làm liều. Mặc kệ. Và, thử một vài lần xem sao? Y như rằng.
Tai hại.
Đó là một trong nhiều
nguyên do mà mình đã chưa thực sự cố gắng hết sức mình. Nên trong quá trình chỉnh
sửa, hoàn thiện báo cáo mình đã xem nhẹ nhiều vấn đề. Thực ra, trước đó ngay bản
thân mình cũng chưa hài lòng với kết quả, báo cáo cho lắm. Nhưng theo thời
gian, với những xao nhãng trên mình đã đánh mất chính mình. Trong hoàn cảnh đó,
mình không còn kiên trung với chính mình nữa. Và cũng theo cách suy nghĩ, sửa
cho có. Sửa cho xong. Thế rồi, một ngày đẹp trời (ngày bảo vệ cấp NN). Ngày
7.8.2017 rất đẹp trời. Ngày mát mẻ sau một đợt các tỉnh miền Bắc và Trung Trung
bộ nắng nóng kỷ lục. Và, thủ đô đã lập kỷ lục về nền nhiệt tăng cao nhất sau gần
50 năm. Có điểm đo được trên 420C. Hôm đó, đến ông chủ tịch hội đồng
còn thốt một câu “đúng hôm nay đẹp trời
có khác, hội đồng có 9 thành viên đều đến đúng giờ, đông đủ cả”. Khi đó mới
sắp bắt đầu đến giờ. Trong quá trình diễn ra hội đồng, nhiều ý kiến trái chiều
về kết quả của đề tài, đặc biệt là báo cáo tổng kết quá dài, dàn trải, thiếu
logic giữa các phần, chương mục, nhiều kết quả chưa đạt được như mong muốn, rồi
cẩu thả, rồi thì “lần đầu tiên tôi nhìn thấy biểu đồ như vậy”. Không hiểu có ý
nghĩa gì. Phức tạp. Rồi, có người nhận xét “tôi phải dùng kính lúp để soi”, vân
vân và vân vân. Đó là những nhận xét của các thành viên hội đồng. Tuy nhiên,
cũng còn may. Các thành viên hội đồng đều “giơ
cao đánh khẽ”. Nhiều nhận xét gay gắt là vậy. Cũng chỉ muốn nhóm thành viên
thực hiện nghiêm túc rà soát, chỉnh sửa và viết lại báo cao sao cho đạt chất lượng
tốt nhất. Và, kết luận “thông qua”.
Thực tình, phận làm
nhân viên những nhận xét như thế quá ư là bình thường. Thậm chí tôi còn chẳng
thấy buồn với những lời nhận xét như vậy. Bởi, có những nhận xét quý báu như vậy,
tôi mới rút ra được nhiều kinh nghiệm trong cách trình bày, viết báo cáo sau
này. Tuy nhiên, ở phía LĐ đơn vị thì chẳng mấy vui vẻ. Bởi những nhận xét như vậy
ảnh hưởng nhiều đến con người, danh tiếng của đơn vị. Và, khi đó tôi chột dạ,
nhận thấy mình đã mắc sai lầm quá lớn. Nếu mình cố gắng hơn chắc sẽ không dẫn đến
sự tình như vậy. Nếu báo cáo được khen nhiều hơn chê, có phải mát mặt LĐ không,
còn chuyện ai hưởng ai thiệt màng đến làm chi. Phận làm nhân viên phải biết “LĐ luôn luôn đúng và nhân viên chỉ có sai lầm
mà thôi”. Đây thực sự là bài học nhớ đời của tôi trong viết báo cáo cũng
như trong hành xử đối với con người với nhau.
Mình thì muốn tốt
hơn, muốn đóng góp một phần nhỏ bé của mình, nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu của đơn vị
ngày càng vững mạnh thực sự, trên cơ sở “cách
tân suy nghĩ và hành động”, trong đó, mỗi người cố gắng phát huy tối đa thế mạnh của mình. Bởi, “phải
chấm dứt ngay niềm tin rằng bí quyết của phát triển kinh tế chỉ là quản lý tốt,
phải nhớ rằng, chính sự cách tân mới là động lực đầu tiên và quan trọng nhất của
phát triển. Điều quan trọng chính là con người và khả năng sáng tạo thế giới,
nghĩa là thay đổi nó” [2].
===========================================
[1] Nguyễn Văn Tuấn
(2013). Từ nghiên cứu đến công bố - Kỹ
năng mềm cho nhà khoa học. Nxb Tổng hợp TP HCM, tr 31.
[2] Claude Allègre
(Đào Bá Cung dịch), 2013. Khoa học thách
thức của thế kỷ 21. Nxb Tri thức. Hà Nội, tr 9.
0 comments:
Post a Comment