Chuyện là như vầy, tôi có dịp mua một cuốn sách với tựa đề
“Đi vào nghiên cứu khoa học” của GS Nguyễn Văn Tuấn (1). Người mà tôi rất “kính
nể” về những thành tựu khoa học hàng đầu về loãng xương trên thế giới, người
luôn đau đáu về nền nghiên cứu khoa học nước nhà, đặc biệt là những kinh nghiệm
về nghiên cứu khoa học, kỹ năng mềm trong nghiên cứu khoa học, trong đó cách sử
dụng R để xử lý số liệu mà tôi đang chập chững tiếp cận, học và áp dụng.
|
Quay lại câu chuyện, cuốn sách (1) rất hữu ích cho những nghiên cứu khoa học, đặc biệt những người mới bước vào nghiên cứu. Khi đi làm tôi có mang lên cơ quan, sau buổi nghỉ trưa có đọc để học hỏi nhiều điều từ bậc tiền bối đi trước. Sau một đợt đi công tác về, tôi có tìm cuốn sách nhưng không thấy, hỏi mới biết một đồng nghiệp phòng khác có mượn. Biết bạn mượn, bạn đọc tôi nghĩ sẽ có ích nhiều ít. Tôi sang hỏi và xác nhận là bạn mượn qua đồng nghiệp khác trong phòng khi tôi đi công tác. Bạn bảo T (tôi) có cuốn sách hay, tớ (H) mượn vài bữa. Sách của T quý tớ phải cất cẩn thận trong tủ. Tôi thì thoải mái chia sẻ nếu có ích cho bạn, cho mọi người. Sau một thời gian, H có nói là cuốn sách của T không biết ai mượn đâu mất, tôi nghĩ H vui tính nên đùa. Nhưng H nói lại, không biết ai mượn nên tớ tìm mãi không thấy. H nói tiếp, để tớ về tìm lại. Tôi ậm ừ, gật đầu. Vài bữa sau, H nói với tôi là tìm mãi không thấy, T bữa trước mua bao nhiêu để H gửi tiền? Tôi hơi bất ngờ (kiểu mượn trả sòng phẳng), có đáng bao nhiêu đâu, tôi nói. Vậy để hôm nào H mua cuốn khác tặng T nhé (mang tiếng chưa) H nói. Tôi tiếp lời, cảm ơn H, không cần thiết đâu. Thật không cần thiết không, H hỏi lại. Thật. H nói tiếp, thế hôm sau T lại cho tớ mượn tiếp nhé. Tôi nói, không có lần sau đâu vì T sẽ không mang sách lên phòng nữa. Thế là ai về phòng người ấy.
Câu chuyện rất chi là đơn giản, chẳng có gì để bàn cả, nhưng cũng có cái rất chi là không đơn giản trong cái rất đơn giản. Cái đơn giản là câu chuyện rất chi là bình thường, không có gì để bàn luận cả; cái chưa đơn giản ở chỗ, chúng ta khá khó khăn khi nói từ “xin lỗi” khi mình làm gì chưa chuẩn mực (sai) và lời “cảm ơn” khi người khác giúp mình một việc gì đó, dù nhỏ.
Trong câu chuyện, tôi không có ý gì đó trách bạn phải nên thế này, phải thế kia, vì mỗi cá nhân có cách nhìn nhận vấn đề khác nhau. Bản thân tôi cũng vậy, mới chập chững bước vào đời, vào nghiệp đã kinh qua được gì đâu, còn phải học, phải trải nghiệm rất nhiều điều từ cuộc sống này. Tuy nhiên, qua câu chuyện tôi mạn phép mượn một vài nhan đề bài báo đã bàn luận để nói về câu chuyện “Tại sao người Việt Nam ít nói “cảm ơn”? (2), Bàn về văn hóa “Cảm Ơn” và “Xin Lỗi” của người Việt (3) để nói nên cái đơn giản mà chúng ta chưa làm được “văn hóa xin lỗi”, “văn hóa cảm ơn” và nhiều điều đáng để chúng ta phải ngẫm, nghĩ. Xin không được bàn thêm chi nữa, bài báo mà tôi đề cập phần nào đã bàn luận, nói nên được một nét văn hóa “cảm ơn”, “xin lỗi” của không ít người Việt.
Xin được khép lại và mạn phép trích mấy câu trong bài thơ “Một khúc ca” của Nhà thơ Tố Hữu (4):
“ ... Nếu là con chim, chiếc lá,
Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh
Lẽ nào vay mà không có trả
Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình?
Ôi! Sống đẹp là thế nào hỡi bạn?
Bữa cơm dù dưa muối đầy vơi
Chân lí chẳng bao giờ đổi bản
Tình thương vộ hạn để cho đời ... “
(2)
http://tuoitre.vn/tin/ban-doc/20081031/tai-sao-nguoi-viet-nam-it-noi-cam-on/285795.html
(3)
http://ub.com.vn/threads/ban-ve-van-hoa-cam-on-va-xin-loi-cua-nguoi-viet.7019
(4) Tố Hữu (1977), Một khúc ca.
0 comments:
Post a Comment