Trong cái note này, mình mạo phạm đề
cập đến câu chuyện thực hiện các nhiệm vụ khoa học các cấp hiện nay. Những quan
điểm, nhận định chỉ mang tính chất của cá nhân người viết chứ không phải từ kết
quả hay công trình nghiên cứu nào. Những ai đã và đang thực hiện hay ít nhiều
liên quan đến “nghiên cứu khoa học - thực hiện đề tài có sử dụng ngân sách”, đặc
biệt “lớp” người đi trước (lãnh đạo,
cây đa cây đề trong từng lĩnh vực) không thể không suy nghĩ, trăn trở đến “chất lượng” các công trình nghiên cứu
hay các nhiệm vụ khoa học các cấp. Nói theo cách khác, các kết quả nghiên cứu
có thể là: bài báo khoa học đăng trên các tạp chí chuyên ngành trong nước (chưa
dám đề cập đến công bố quốc tế theo đúng nghĩa), các sản phẩm hay các giải pháp
khoa học công nghệ... được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất và mang lại lợi ích
thiết thực cho người dân hưởng lợi. Tuy nhiên, một thực tế hiện hữu là các kết
quả nghiên cứu của các nhiệm vụ khoa học công nghệ (KHCN) của các đơn vị nghiên
cứu hiện nay nói chung còn quá ư là khiêm tốn trong ứng dụng vào thực tiễn sản
xuất (sản phẩm KHCN sau khi nghiên cứu xong là đút ngăn kéo). Hay nói theo cách
khác, chưa tương xứng với “đồng tiền bát
gạo” - đồng vốn đầu tư (Ngân sách - tức tiền thuế của dân).
Với bài toán kinh tế, tức đầu tư phải
có lời. Sẽ chẳng dại gì khi đầu tư không đem lại lợi ích gì cả (cả trước mắt lẫn
lâu dài), tức thua lỗ. Thay vì hỗ trợ người dân 10 đồng, Nhà nước thông qua các
tổ chức, đơn vị nghiên cứu, trong đó có vai trò của các nhà khoa học tương đối
lớn thực hiện các nhiệm vụ KHCN, về lâu dài (cái này sẽ rất khó nói), 10 đồng ấy
phải sinh lời (có lãi); tức là, các sản phẩm KHCN phải đem lại hiệu quả thiết
thực cho người dân hưởng lợi. Còn không, Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho người
dân thay vì qua đơn vị trung gian (nhà khoa học).
Vậy, làm sao để có thể vừa nâng cao
chất lượng, hiệu quả các nhiệm vụ KHCN (công trình nghiên cứu) lại vừa tiết kiệm
tiền ngân sách (số lượng)? Thật khó có câu trả lời thỏa đáng, nhất trong bối cảnh
hiện nay, khi các đơn vị nghiên cứu thực hiện các nhiệm vụ KHCN theo kiểu “trăm hoa đua nở”. Khi mà Nghịch
lý chất lượng - số lượng (năng suất) sinh ra và chúng ta “bị buộc” phải lựa chọn 1 trong 2, hoặc
chất lượng hoặc số lượng (năng suất). Tuy nhiên, chúng ta chẳng những lựa chọn
1 trong 2, mà chọn cả 2 và cũng chẳng có giải pháp căn cơ nào để đạt được cả 2
lựa chọn đó (chất lượng và năng suất). Thế rồi, chẳng cần biết sẽ ra sao, tiên
chỉ “không có bất cứ lý do nào để chậm tiến
độ, không hoàn thành” cho các nhiệm vụ KHCN đó và điều gì xảy ra sau đó chắc
ai cũng hiểu được.
Việc ban hành NĐ 16/2015/NĐ-CP về việc
quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập được đánh giá là bước đột
phá mới, cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công, tăng cường giao quyền tự chủ, tự
chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp; nhằm giảm áp lực tài chính cho ngân
sách nhà nước... Tuy nhiên, sẽ là “đột
phá mới” khi các đơn vị nghiên cứu thực hiện các nhiệm vụ KHCN có đủ năng lực
thực sự khi “đấu thầu” các nhiệm vụ
và câu chuyện đề xuất, tuyển chọn các nhiệm vụ KHCN được minh bạch. Sẽ là đáng
buồn hơn khi các đơn vị nghiên cứu sử dụng các “mối quan hệ” để có được nhiệm vụ, trong khi vừa lo “cơm áo gạo tiền - lương” cho nhân viên,
lo “cắt” lại quả, rồi tiết kiệm (vào
túi)... Vậy, lấy đâu ra các nhiệm vụ KHCN có chất lượng?
Thật khó để thực hiện các nhiệm vụ
KHCN mà kết quả đem lại lợi ích cho người dân, quốc gia khi mà chúng ta không
có tầm nhìn chiến lược và những giải pháp căn cơ cho điều đó; nói theo cách
khác, việc thực hiện các nhiệm vụ KHCN cần đặt tiêu chuẩn chất lượng các sản phẩm
KHCN lên hàng đầu thay vì chạy theo số lượng như hiện nay.
Cá nhân có đôi lời nhàm bàn cũng chưa
đủ tầm để đưa ra một vài giải pháp cho Nghịch lý chất lượng - số lượng
trong việc thực hiện các nhiệm vụ KHCN cũng như trong thực tiễn sản xuất. Có
chăng chỉ là đưa ra quan điểm dựa trên nhận định chủ quan của cá nhân để mọi
người (quan tâm) trao đổi, cho ý kiến.
0 comments:
Post a Comment