Hôm vừa rồi, vào Lệ Thủy - Quảng Bình (rừng chắn gió, chắn
cát bay) quan sát và nhận thấy, người dân chặt, hạ cây, cành Phi lao (PL) không
thương tiếc, thậm chí kinh doanh gỗ củi từ cây Phi lao, thấy mà xót xa. Điều
đáng nói ở đây, nhận thức của người dân (một bộ phận không nhỏ) CHƯA ĐÚNG và ĐỦ
về vai trò, chức năng to lớn của các dải rừng PL chắn gió chắn cát bay, bảo vệ
làng mạc, sản xuất nông nghiệp nội đồng và phòng hộ môi trường ven biển.
CHƯA ĐÚNG ở chỗ, rừng phòng hộ chắn gió chắn cát, rừng phòng
hộ bảo vệ môi trường là rừng tự nhiên không được phép khai thác gỗ (Khoản 1 Điều
14 Quy chế Quản lý rừng phòng hộ); rừng phòng hộ là rừng trồng do người được
giao, thuê hoặc khoán rừng phòng hộ đầu tư: được phép khai thác cây trồng xen,
cây phù trợ; tỉa thưa, tận thu, tận dụng gỗ... (Khoản 3 Điều 15 Quy chế quản lý
rừng phòng hộ, Mục 1 Chương IV Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004). Pháp luật
về bảo vệ và phát triển rừng nghiêm cấm mọi hành vi vi phạm quy định về quản
lý, sử dụng và phát triển rừng phòng hộ ven biển, đặc biệt những nơi xung yếu,
rất xung yếu (cát bay di động mạnh, bãi cát ven biển, cồn cát di động). Vấn đề ở
đây là, pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ tại địa phương chưa
nghiêm và công tác tuyên truyền phổ biến những quy định của pháp luật về bảo vệ
và phát triển rừng phòng hộ chắn gió chắn cát bay ven biển còn hạn chế.
CHƯA ĐỦ, xét về mặt giá trị trực tiếp của các dải rừng PL (gỗ,
củi) là thấp, trước đây gỗ PL còn được thu mua để phục vụ đốt gạch, làm ván cốp
pha... ở các địa phương, nay chỉ làm củi đun phục vụ gia đình, nên giá trị trực
tiếp từ cây PL rất thấp. Tuy nhiên, giá trị gián tiếp to lớn của các dải rừng
PL ven biển lại chưa lượng giá cụ thể được như: giá trị phòng hộ chắn gió chắn
cát bay, cảnh quan (du lịch sinh thái), hấp thụ các bon, cải thiện tiểu khí hậu
và các dịch vụ môi trường khác mà các dải rừng PL mang lại. Ở khía cạnh này,
không thể trách được người dân, nhưng các dải rừng PL đã gắn bó với sinh kế, cuộc
sống của người dân bao nhiêu năm qua. Nhờ có các dải rừng mà làng mạc, đường
sá, cuộc sống của người dân mới dần ổn định và ngày càng phát triển như ngày
hôm nay, trong khi đó, người dân chưa nhận thức được các giá trị to lớn mà rừng
mang lại, nên hàng ngày vẫn có những cây PL bị chặt hạ, mà từng giờ từng ngày cây
PL vẫn oằn mình để chống chọi với những điều kiện khắc nghiệt của thời tiết, tạo
môi trường và cân bằng sinh thái cho con người, sinh vật sinh sống. Rừng là “lá
phổi của trái đất”, không có rừng, tất cả mọi sinh vật trên trái đất này kể cả
con người sẽ không thể hô hấp, khó có thể sinh tồn và phát triển.
Khi qua Nghi Xuân - Hà Tĩnh (rừng ngập mặn), khi gặp người
dân đi lượm củi (những cành củi khô, do sóng đem vào bờ), tôi có hỏi: Cô không vào
trong cách rừng kia mà chặt cho nhanh?
- Trong đó cấm không được chặt cây, cô
nói.
- Cô vào trong đó lượm những cành khô,
tôi hỏi tiếp.
- Cành khô cũng không được chặt. Bảo vệ
cây là bảo vệ đê, là bảo vệ chính mình, cô nói.
Tôi thật bất cờ khi cô nhận thức được vai trò to lớn của các
đai rừng ngập mặn ven biển (đê Hội Thống, Cửa Hội, Nghi Xuân). Trước đây, do
chưa có các đai rừng ngập mặn phía ngoài, nên mỗi khi bão vào đất liền những đoạn
đê biển, đê cửa sông bị sóng đánh sạt lở nghiêm trọng, dù có được kè đá, bê
tông. Canh tác lúa, nuôi trồng thủy sản (tôm, cua) sau đê biển bị mất trắng và
thiệt hại nhiều tỷ đồng. Nhận thấy vai trò to lớn của các đai rừng ngập mặn đến
sinh kế, cuộc sống của chính mình, nên người dân nơi đây hiểu rõ, ý thức được
trong việc bảo vệ cây rừng, các dải rừng ngập mặn ven biển.
Thiết nghĩ (quan điểm cá nhân), thực trạng quản lý bảo vệ và
phát triển rừng hiện nay khó mà có thể “quản lý rừng bền vững” theo đúng nghĩa,
nếu một bộ phận không nhỏ (cơ quan công quyền các cấp) không sớm thay đổi “TƯ
DUY NHIỆM KỲ”, “LỢI ÍCH NHÓM”, và “Ý THỨC HỆ”. Vì từ lãnh đạo đến người dân (bộ
phận không nhỏ) đều có khuynh hướng 3 KHÔNG “KHÔNG NGHE, KHÔNG THẤY, KHÔNG NÓI”
và 3 CÓ “CÓ MẮT NHƯ MÙ, CÓ TAI NHƯ ĐIẾC, CÓ MỒM NHƯ CÂM” khi gặp rắc rối trong
công việc, cuộc sống.
0 comments:
Post a Comment