Hôm nay, chẳng hiểu làm sao. Ngồi xem
lại điện thoại, thấy cái note hay hay, nên ngồi viết vài dòng, gọi là ôn lại kỷ
niệm. Có dịp về miền biển Cẩm Dương, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh mới thấy sự ấm áp, giàu
tình cảm của người dân nơi đây. Dẫu biết rằng, ở đâu cũng vậy “có người này người kia”, nhưng may mắn
thay, cá nhân tôi cũng có cái “phúc, phần”
khi được biết, tiếp xúc và làm việc ít nhiều với người dân. Đôi khi chỉ là “một lần đặt chân tới, để lại trong nhau nhiều
kỷ niệm đẹp”. Cái mà 3 cùng “làm
cùng, ăn cùng, ngủ cùng” luôn được vận dụng mỗi khi đi hiện trường. Bởi có
bám người dân, bám địa bàn mới hiểu được phần nào cuộc sống, con người nơi đây
và quan trọng hơn cả, đó yếu tố then chốt tạo nên một phần sự thành công của
công việc (dự án).
“Cá lẹp mà kẹp
với lộc mưng
Chồng ăn to
miếng vợ trừng mắt lên”
Hay
“Cá lẹp mà kẹp
rau mưng
Ông ăn một miếng
bà trừng mắt lên”
Có ăn, có ở cùng với người dân mới thấy
sự gần gũi, thân quen và tình cảm giữa con người với nhau. Một dịp được dùng
cơm cùng với gia đình bác Kiều Lan, chẳng có gì thịnh soạn như mọi người nghĩ.
Chỉ là bữa cơm thân mật, cơm rau thường nhật, với món đặc biệt “cá lẹp” và theo đó là ý nghĩa của nó. “Cá lẹp” ở đây là cá bãi ngang, tức là
người dân đánh bắt gần bờ (bãi ngang), đi về trong ngày nên cá rất tươi, thậm
chí cá về tới bờ vẫn còn nhảy nhót (hơi quá một chút). Cá vẫn tươi roi rói. Cá
về kho tương bình thường. Nhưng cái đặc biệt, là cá lẹp kẹp với lá “lộc mưng”, tức là lá “lộc vừng”, loại lá bánh tẻ của cây Lộc vừng.
Vị tanh, vị mặn của cá biển kết hợp với vị hơi chát của lá lộc mưng, hòa quyện,
tạo nên mùi vị rất đặc trưng, rất riêng. “Bùi
bùi, ngầy ngậy”. Thú thực, phải nhâm nhi chút một, mới cảm nhận được mùi vị
đặc trưng của nó. Sẽ là khó để diễn tả nổi cảm nhận về món “cá lẹp kẹp với lộc mưng”. Bởi mỗi người
có một trải nghiệm, khẩu vị và cảm nhận riêng, cho dù cùng thưởng thức một món,
đồ gì đó. Đó là toàn bộ vế thứ nhất của câu ca dao “Cá lẹp mà kẹp với lộc mưng”.
Ở câu thứ hai. Thực ra, mình cũng chỉ
được nghe kể lại thôi, chứ có ở thời điểm đó đâu mà hiểu phần nào toàn bộ ý
nghĩa của câu đó. Sơ sơ là, thời điểm ấy, do đói kém (cái nghèo) nên cơm chẳng
đủ ăn, chỉ có sắn, khoai mì, cơm độn... huống chi là có "cá lẹp" để ăn. Dịp nào
đó, gia đình có việc nên có mua ít cá lẹp (cá bãi ngang) về kho và ăn kèm với
rau lộc mưng. Chẳng hiểu sao. Chắc là có khách khứa gì đó. Chồng mới ăn một miếng
“cá lẹp kẹp với rau mưng” thế là vợ
nhìn thấy mới “trừng” mắt lên, tức là
không hài lòng. Thú thực, mình không trải qua thời điểm đó nên sẽ là khó để
dùng câu từ nào cho phù hợp để diễn tả lại những cung bậc cảm xúc của con người
trong tình huống đó. Có chăng cũng chỉ là cảm nhận khi được thưởng thức món “cá lẹp kẹp với rau mưng”, nhưng còn vế
thứ hai, chắc không có cái may mắn đó. Nên qua cái note này có đôi lời gọi là
ôn lại chút kỷ niệm khi có thời gian về công tác cùng người dân ven biển miền
Trung.
0 comments:
Post a Comment