Khó có thể dùng những câu từ nào
thích hợp để diễn tả được những cảm xúc trong tôi lúc này. Bởi, xúc cảm buồn
nhiều hơn là vui, nhưng vẫn phải cố gắng bỏ qua mà sống, mà làm việc. Ai cũng
có công việc của ai. Điều đó là hiển nhiên. Ngay khi có công việc chung, điều đó
cũng hiển nhiên, nhưng chỉ trên danh nghĩa (giấy tờ). Bởi trách nhiệm của chúng ta
còn quá ư là “kém”. Kiểu “cha chung không ai khóc”, “cơm ai người nấy ăn, việc
ai người ấy làm”... Với cách suy nghĩ đó, chúng ta đang tự làm “xấu” mình đi cả về “lý”
lẫn về “tình”.
Lý
“Lý” ở đây có thể hiểu là về chuyên môn, tức
anh đùn đẩy trách nhiệm hoặc làm “cho có” thì sao có thể phát triển được. Nghĩa
là, anh đang an phận thủ thường với những gì mình đang có, trong khi thời cuộc
đang thay đổi chóng mặt. Trong công việc, với tư duy “việc ai người nấy làm”
thì sẽ khó phát triển được, bởi “một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân”. Một
ông nọ, bà kia không thể một mình xây dựng và phát triển một vấn đề, lĩnh vực...
thay vào đó là sự chung tay, chung sức của tất cả các thành viên trong một
nhóm, một lab hay một cơ quan. Tuy nhiên, ai cũng nghĩ vậy nói vậy, nhưng giữa
lời nói và hành động (thực tế) là cả một khoảng cách đã ăn sâu vào tiềm thức biết
bao người. Chính những con người ấy, môi trường ấy đã tạo nên một lớp những con
người “dối trá”.
Dối trá trong lời nói và trong hành động.
Việc nói một đằng làm một nẻo quả không xa lạ gì với chúng ta, ngay lớp trẻ hiện
nay, bởi thế hệ trước suy nghĩ và hành động như vậy, chuyện lớp trẻ học theo là
lẽ đương nhiên. Và trong công việc cũng vậy. Như vậy, việc nói và làm để “đối
phó” sẽ để lại hậu quả như thế nào chắc ai cũng rõ. Xin bỏ ngỏ như vậy để chúng
ta cùng suy nghĩ.
Tình
“Tình” ở đây là tình cảm (tình con
người, đồng nghiệp chứ không phải tình cảm nam nữ). Trong môi trường làm việc,
văn hóa của người Việt khó có thể bỏ qua chuyện tình cảm. Đó là một trong những
lý do làm cho công việc, sự phát triển chung còn yếu, kém. Sự “cả nể”, “nể nang”
nhau trong công việc chung. Khổ nỗi, “được đằng chân, lân đằng đầu”, nói cho
nhau nghe, kể cho nhau nghe và nói nhiều đâm chán, ngán... chỉ làm mất thời
gian của nhau, chứ chẳng giải quyết được gì thêm, bởi con người có tính tiến thủ
sẽ không bao giờ như vậy. Và sẽ như thế nào nếu chúng ta vẫn “nể nang” nhau
trong công việc chung? Xin được bỏ ngỏ để mọi người cùng suy nghĩ thêm.
Đời không như mơ
Xã hội như vậy. Chế độ như vậy và ở
đâu cũng như vậy. Bạn đang đứng giữa dòng chảy, việc xuôi hay ngược dòng đó là
sự lựa chọn và quyết định ở mỗi chúng ta, tùy thuộc vào mỗi hoàn cảnh. Bởi,
chúng ta không có sự lựa chọn đứng yên giữa dòng hay sang ngang được. “Đời
không như là mơ/Nên đời thường giết chết mộng mơ” [1].
=============================
[1] Bài hát: Đời không như là mơ.
Sáng tác: Trần Tử Thiêng.
0 comments:
Post a Comment